.

Vốn có bão hòa trong dân?

.

Hàng nghìn hộ nông dân Đà Nẵng được tiếp cận với các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NHNN-PTNT), nguồn vốn giải quyết việc làm - 120 và từ Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố với lãi suất ưu đãi, nhờ đó bà con có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Vay 2 năm cho dự án trên 6 năm

Gia đình bà Bùi Thị Ly  tính gầy dựng lại đàn gà bằng  số vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT

Nhận 3 ha đất đồi vào năm 2002, ông Nguyễn Hồng Đệ ở thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang vay NHNN-PTNT 10 triệu đồng với lãi suất 1,1%/năm để trồng rừng. Số cây rừng vừa kịp lớn nhưng chưa đến kỳ thu hoạch thì cơn bão năm 2006 đã làm ngã đổ hết. Ông cặm cụi trồng lại. 2/3 diện tích đất của thôn Diêu Phong là đất gò đồi, trong 167 hộ dân thì hầu hết theo nghề trồng rừng. Cũng như nhiều gia đình khác, qua tín chấp của Hội Nông dân địa phương, ông vay tiếp NHCSXH 7 triệu trong thời hạn 2 năm, lãi suất 0,5%/năm. 2 năm trôi vèo, ông buộc phải đáo hạn tiếp 2 năm, lãi suất tăng lên 0,65%/năm.

Ông Đệ tính, mức giá hiện nay cho mỗi tấn keo lá tràm thành phẩm là 850.000 đồng. Với nghề trồng rừng, không thể tính lấy công làm lãi như trồng lúa vì khi thu hoạch phải tính đến trả vốn cho ngân hàng, cho các khoản vay của bà con, bạn bè để đầu tư cho rừng sau nhiều năm. Khó khăn của bà con làm nghề trồng rừng là các ngân hàng chỉ cho vay trong thời hạn 2-3 năm, trong khi phải sau 5-6 năm mới có thể thu hoạch.

Bà con trồng rừng ở Diêu Phong thường nói ví von “làm nghề trồng rừng giống đem vàng đặt trên núi, đêm nằm ngủ không yên”, lúc nào trong họ cũng canh cánh nỗi lo thiên tai, hoạn nạn, kể cả đến kỳ thu hoạch cũng lo cháy rừng. Ông Nguyễn Nghị có 3 ha rừng cho rằng: Dân Diêu Phong không dám vay nhiều, vì đầu tư vào rừng là đầu tư lớn, nhưng thời hạn cho vay ngắn nên bà con tự xoay xở vốn, sau cùng mới đến ngân hàng. Trong khi NNCSXH có mức lãi suất thấp, nhưng họ chỉ có thể cho vay từng đợt, phân bổ về cho từng chi hội nông dân, nên đôi khi có thể vay vốn thì cơ hội làm ăn đã qua.

Theo ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, thì chính sách từ Trung ương đã quy định thời hạn cho vay không kéo dài, vì đây là nguồn vốn hỗ trợ nông dân, lãi suất thấp nên cần quay vòng vốn nhanh để nhiều hộ dân được tiếp cận vốn, chưa thể tính đến dự án có kéo dài hay không.

Nông dân không vay hay vốn đã bão hòa

Rừng trồng phải sau 5 năm mới cho thu hoạch , nhưng hiện nay ngân hàng chỉ cho nông dân vay với thời gian ngắn 2-3 năm

Gia đình bà Bùi Thị Ly ở thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước, Hòa Vang đầu tư nuôi gà lấy trứng được 2 năm thì xảy ra dịch cúm gia cầm. 2.400 con gà bị tiêu hủy, trắng tay. Mấy tháng sau bà đành vay của Ngân hàng Nông nghiệp để gầy dựng lại đàn gà, đó là thời điểm năm 2004. Nhưng hiện nay không vì dịch cúm gia cầm, đàn gà của bà cũng tan tác, từ 3.000 con chỉ còn 300 con, bởi giá thức ăn cho gia cầm tăng đến chóng mặt.

Bà Ly vẫn tin tưởng giá thức ăn chăn nuôi hạ, bà sẽ nuôi lại đàn gà. Và tiếp tục vay vốn từ NHNN-PTNT, bởi vay của bà con, anh em lãi suất cao hơn từ ngân hàng, còn NHCSXH lúc có vốn lúc không, lúc cần đến có thể là thời điểm không cho vay. Chồng bà Ly khẳng định, lúc này lãi suất các ngân hàng quá cao nên nông dân không dám vay. Chấp nhận vay vốn làm ăn cũng là điều khó của nông dân khi lãi mẹ đẻ lãi con, người chăn nuôi lúc nào cũng lo rủi ro như thời tiết chuyển, dịch bệnh...

Ông Lê Đình Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phước cho biết, NHCSXH huyện Hòa Vang cho vay 20-30 triệu đồng/hộ khá phổ biến, có nhiều hộ vay với số vốn lên đến 70 triệu đồng. Đến nay, tổng dư nợ của xã Hòa Phước đã lên đến trên 1,4 tỷ đồng, qua nhiều kênh, như vay phát triển kinh tế, xây dựng mô hình, vệ sinh môi trường..., qua nhiều kênh vay như NHCSXH (với các mô hình vay phát triển kinh tế, xây dựng mô hình, vệ sinh môi trường...); Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố. 2 năm nay, xã cũng thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân với số vốn 12 triệu đồng, cho 4 hộ vay, ưu tiên cho những gia đình nghèo, kinh tế khó khăn, thu hồi vốn hàng năm để quay vòng.

Nhiều nông dân vay vốn đã tạo được cơ hội làm ăn, nhưng số vốn vay hạn chế, thời hạn ngắn, nên đôi khi họ không dám làm hồ sơ xin vay, sợ không trả được nợ, trong khi những nghề họ định làm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong khi đó, ông Lê Thông, Giám đốc NHNN-PTNT chi nhánh huyện Hòa Vang khẳng định: Vốn đã bão hòa trong dân. Vì nông dân được tiếp cận nhiều vốn vay, lãi suất thấp. Dù lãi suất của Ngân hàng này thấp hơn các ngân hàng thương mại (hiện nay là 19,8%/năm) nhưng ngân hàng vẫn bị giảm 30% lượng khách hàng từ khi có thêm NHCSXH. Quan điểm của chúng tôi là với một dự án, sẽ không cho vay 2 kênh khác nhau, để tránh chồng chéo, vì cho vay nữa sẽ không hiệu quả. Nhưng nhiều hộ nông dân gặp cảnh dự án khá lớn, vay ở NHCSXH lãi suất thấp nhưng không vay được nhiều (tùy vào địa phương được giải ngân nguồn vốn), khi làm tiếp hồ sơ để vay ngân hàng chúng tôi lại không được vì chồng dự án.

Những khó khăn đó khiến nông dân trở nên ít mặn mà với chuyện vay vốn làm ăn. Bởi vậy, dù được vay ở kênh nào đi nữa, thì với lãi suất thấp, hồ sơ được thẩm định nhanh, số vốn vay có thể giải quyết được dự án, mới thu hút được người nông dân mạnh dạn đầu tư, làm giàu cho gia đình và xã hội.

 

Trong quý 3-2008, nông dân thành phố đã vay ở Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố 425 triệu đồng, nâng tổng vốn vay lên 3,3 tỷ; vay theo chương trình giải quyết việc làm-vốn 120: 885 triệu đồng; vay ở NHNN-PTNT 225 triệu; vay ở NHCSXH 2,2 tỷ đồng.

 

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.