Bộ Tài chính quy định giá tối đa, tối thiểu, khung giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá |
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Nhà nước thực hiện biện pháp bình ổn giá khi giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao, hoặc giảm quá thấp không hợp lý so với mức giá thị trường nội địa trước khi có biến động trong các trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoặc tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền về giá, đầu cơ, găm hàng, biến động cung cầu hàng hóa, dịch vụ hoặc do các tin đồn thất thiệt... làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân ở từng vùng, khu vực hay cả nước.
Khi các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá tăng tối thiểu trong 15 ngày liên tục; giá bán lẻ trên thị trường tăng bình quân từ 15% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, được coi là căn cứ để thực hiện bình ổn giá. Riêng mặt hàng xăng, dầu sẽ thực hiện theo Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 6/4/2007 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Các đối tượng vi phạm Pháp lệnh Giá sẽ bị phạt tiền, buộc nộp lại phần chênh lệch giá tăng bất hợp lý vào Ngân sách nhà nước và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật...
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền quyết định các biện pháp theo thẩm quyền để điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ, các biện pháp tài chính, tiền tệ, đăng ký giá, kê khai giá và công khai thông tin về giá.
Khi thực hiện chính sách bình ổn giá, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần, công ty TNHH có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước, sẽ phải thực hiện đăng ký giá. Bộ Tài chính có quyền quyết định bổ sung các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá.
15 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá: Xăng, dầu; xi măng; thép xây dựng; khí hóa lỏng; phân bón hóa học; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc thú y; muối do diêm dân sản xuất; sữa; đường ăn; thóc, gạo; thuốc phòng, chữa bệnh cho người bao gồm các loại thuốc thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế; cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng; thức ăn chăn nuôi gia súc (ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương); hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của UBND cấp tỉnh. |
Theo Cổng TTĐT Chính phủ