Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có lần cảnh báo, kinh tế chỉ có thể tăng trưởng ổn định nếu siết chặt chính sách tiền tệ, giảm lạm phát. Sự kém hiệu quả trong cải cách ngành ngân hàng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó cũng là một trong năm điều IMF nhắc nhở Việt Nam trong Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) tổ chức vào cuối năm 2007. Lạm phát tăng thì đó là thứ thuế vô hình đánh vào người dân, bởi không một thu nhập tăng nào có thể có tốc độ như lạm phát.
Theo các nhà kinh tế vĩ mô thì nền kinh tế tăng trưởng, đồng thời kéo theo sự tăng giá và cũng không tránh khỏi lạm phát. Đó là hiện tượng tự nhiên, không quá lo ngại. Nhưng một số khác thì cho rằng, từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư ồ ạt đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, kiều bào ta từ nước ngoài cũng tham gia tích cực vào việc chuyển tiền về nước, làm cho lượng tiền lưu thông thực tế nhiều hơn gấp nhiều lần so với lượng tiền lưu thông tăng thông qua tăng lượng hàng hóa, đã dẫn đến mất cân đối giữa hàng và tiền. Đó là nguyên nhân lạm phát, tăng giá bột phát trong hai năm qua. Vậy là theo cách phân tích của một số nhà kinh tế thì nguyên nhân lạm phát của Việt Nam là do nguồn cung tiền tệ quá lớn.
Cũng chung quanh việc tăng giá, nhiều vị nghiên cứu kinh tế học, mỗi người một cách nhìn và tìm ra những nguyên nhân của riêng mình. Đơn giản, không cần chứng minh rắc rối thì nhiều người đổ tội cho giá xăng dầu, nguyên liệu ngoại nhập. Xăng dầu tăng thì mọi thứ đều tăng theo: điện tăng, nguyên liệu tăng, phân bón tăng và sản phẩm đương nhiên phải tăng.
Còn nhớ giữa năm 2007, khi giá cả đã đồng loạt tăng trên nhiều mặt hàng thiết yếu của đời sống như lương thực, thực phẩm, v.v..., có những mặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ năm trước. Có vị tiến sĩ kinh tế lại vô cùng tự tin mà khẳng định rằng: sau cú sốc ban đầu này, tình hình giá cả sẽ ổn định bền vững trở lại, phù hợp với quy luật cung cầu…
Nhà nghiên cứu có vị trí này còn khẳng định, tăng giá chỉ là biến động ngắn hạn khi cơ chế mới đi vào cuộc sống. Không hiểu vị tiến sĩ kinh tế này phát biểu theo góc độ khoa học hay là cách nói để trấn an dư luận và lòng dân bời bời lo lắng. Nếu là góc độ khoa học nào đó của ông, thì thực tế trong hai năm 2007-2008 hẳn đã cho ông nhiều cứ liệu có giá trị để khẳng định thêm lập luận về sự “ổn định giá cả“ của ông. Còn chỉ để yên lòng dân chúng thì hẳn là không cần, bởi suy nghĩ của người dân thực tế lắm.
Thưa với ông rằng, kể từ khi ông phát biểu về sự ổn định giá cả, và nếu có tăng thì cũng chỉ nhất thời trong năm 2007 thôi, thì mọi nhu yếu phẩm đã tăng ít nhất lên gấp đôi. Ngày ấy, thịt lợn vai 35 nghìn đồng/kg thì nay đã 75-80 nghìn đồng/kg. Gạo thay vì 5 nghìn đồng/kg hồi đó, bây giờ đã 10 nghìn đồng/kg rồi. Có mặt hàng tăng 60-70% so với cuối năm 2007.
Những người dân bình thường không có cái kiến thức để tìm ra nguyên nhân. Chỉ biết cầm vài trăm ngàn đi một vòng chợ là hết vèo, xót lắm. Nhưng dù có phải nhấc lên đặt xuống cả chục lần mớ tôm, mớ tép chợ chiều, cuối cùng cũng đành lầu bầu mà... mua vậy.
Những người bán hàng phải cập nhật giá cả từng… phút. Có chủ cửa hàng nói, mỗi ngày phải điều chỉnh giá tới 3-4 lần, nếu không là vỡ mặt. Thì ra, cửa hàng cũng không mấy sung sướng gì khi giá nó bất kham, lồng lộn lên như con ngựa hoang. Vào thời mà nguy cơ khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu như hiện nay, cái thang mà giá cả đang leo lên, hẳn còn cao thêm, chưa có hồi hạ.
HIẾU DÂN