.
HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC

Khi nào... nước thoát?

.

Hiện nay, lượng nước thải, nước sinh hoạt của người dân xả ra tính trung bình mỗi ngày đêm trên địa bàn thành phố hàng chục vạn mét khối (trong đó chưa kể lượng nước mưa). Mặc dù hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã được đầu tư với tổng vốn lên đến hàng chục triệu USD... thế nhưng thoát nước luôn là vấn đề “nóng” khi vào mùa mưa.

Hệ thống thoát nước chưa được đấu nối gây nên tình trạng ngập nước.
Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường tại thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư vào năm 1999, theo đó, tổng mức đầu tư của dự án hơn 41 triệu USD, bao gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 32,6 triệu USD, tài trợ từ Chính phủ Úc 1,24 triệu USD và nguồn vốn còn lại là vốn đối ứng trong nước. Với tổng vốn “khổng lồ” này, tưởng như khi dự án đưa vào sử dụng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường cho thành phố Đà Nẵng, thế nhưng, tình trạng vẫn tiếp tục xảy ra vào mùa mưa lũ, còn ô nhiễm môi trường thì mùa mưa cũng như mùa nắng.

Mục đích của dự án này là xây dựng và cải tạo hệ thống cống thu gom tự chảy, trạm bơm, trạm xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường trên địa bàn thành phố; tăng cường năng lực quản lý và xử lý thoát nước. Các hạng mục công trình được đầu tư bao gồm: hệ thống thoát nước mưa, cải tạo cống và các hố thu nước ở các khu vực ngập lụt; xây dựng mới gần 20km cống chính, 38km cống cấp 3..., thoát nước thải, xây dựng hệ thống cống thu gom, điểm nối và cống chính mới; xây dựng 21 trạm bơm ngầm, 4 trạm xử lý nước thải...

Ông Mai Mã, Phó Giám đốc Công ty Quản lý-Sửa chữa Công trình giao thông và Thoát nước Đà Nẵng cho biết: “Năm 2007, công ty được bàn giao xử lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố. Xét về mặt cơ bản, một số trục đường xương sống trong nội thành, hệ thống thoát nước đã đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải.

Tuy nhiên, tình trạng ngập vẫn liên tục tiếp diễn ở nhiều điểm là do khi đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể về quá trình đô thị hóa cả bề mặt lẫn bề ngầm. Đơn cử như nhiều dự án vừa đưa vào sử dụng đã có dự án khác xen kẽ, chồng lên, dẫn đến dự án chồng dự án, gây lãng phí và kém hiệu quả. Những năm gần đây, người dân thành phố phải chứng kiến cảnh nhiều tuyến đường vừa làm xong lại phải đào bới tung lên để các dự án khác sửa chữa.
 
Còn nhớ, đầu năm 2007, tuyến đường 2-9 vừa hoàn thành đã phải đào bới lên vì sự cố vỡ đường ống thu gom nước thải. Sau đó, một loạt vị trí trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng rơi vào cảnh tương tự. Thậm chí, nhiều hộ dân còn tự ý đục cống, đấu nối đường dẫn nước thải từ trong nhà ra hệ thống thoát nước mưa công cộng, gây ô nhiễm môi trường chung quanh.
 
Nhiều hộ dân ở trước cổng KCN Hòa Khánh đã xây nhà nằm ngang qua mương thoát nước, mỗi khi hệ thống thoát nước này gặp sự cố thì việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến đường đã hoàn chỉnh nhưng lại chưa được đấu nối, nhiều điểm đã đấu nối lại không hợp lý dẫn đến tình trạng ứ đọng nước.

Để hệ thống thoát nước, hay nói cách khác là hạ tầng công trình ngầm ở thành phố đáp ứng được sự phát triển toàn diện của đô thị, theo ông Mã, Đà Nẵng cần phải sớm đưa ra quy hoạch tổng thể cho sự phát triển đô thị cả “tầng trên” lẫn “tầng dưới” trong thời gian tới.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.