Hôm qua (25-11), kiểm toán Nhà nước đã chính thức công bố kết quả cuộc kiểm toán về tài chính của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Qua kiểm toán đã lộ ra những sai phạm, tính toán nhầm lẫn về chi phí, giá thành của công ty mẹ EVN và 32 đơn vị thành viên.
Chênh lệch giá bán điện cao hơn công bố 600 tỉ đồng
Do có nhiều nguồn thu chi nhọc nhằn, nên các khoảng tính toán của EVN “bị sai” hàng ngàn tỉ. |
Tổng kiểm toán Nhà nước, ông Vương Đình Huệ cho biết, năm 2007, EVN báo cáo doanh thu đạt gần 58.204 tỉ đồng, giá bán điện bình quân là 860 đồng/kWh. Nhưng kết quả kiểm toán, con số doanh thu đúng phải tăng thêm hơn 70,5 tỉ đồng, do EVN đã hạch toán thiếu, sai niên độ, do xác định không chính xác doanh thu nội bộ với lượng điện tự dùng để sản xuất...
Phát hiện lớn nhất của kiểm toán Nhà nước trong đợt kiểm toán này, theo ông Vương Đình Huệ, chính là mức chênh lệch tăng giá bán điện là 3.402 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức EVN đã công bố (là hơn 2.700 tỉ đồng). EVN đã chỉ tính giá bán tăng bình quân, “xóa” hết các quyền số trong việc tính toán doanh thu, lợi nhuận… Kiểm toán viên đã đề xuất phải tính rõ giá bán điện đến từng nhóm đối tượng khác nhau và nhờ đó, xác định một con số chênh lệch tăng giá điện khác hẳn.
Nhưng từ con số chênh lệch này lại làm nảy sinh những vấn đề mới. Nếu mức chênh lệch giá điện lên cao như vậy thì tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ – EVN lên tới 2.348 tỉ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế của EVN đạt 4.376,4 tỉ đồng và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2007 là 1.180 tỉ đồng. Với kết quả này kiểm toán xác định có trên 66 tỉ đồng là số thuế mà EVN phải tăng thêm.
Nhưng nếu phải tách riêng phần chênh lệch thu được như kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, chuyển thẳng vào quỹ đầu tư, không hạch toán vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận EVN sẽ chỉ còn 973,47 tỉ đồng. Như thế, phần sản xuất, kinh doanh ngành lõi (điện) của EVN lại bị lỗ trên 506 tỉ đồng. Số còn lại là lãi do các hoạt động kinh doanh ngoài ngành: vào viễn thông, ngân hàng… Ngoài ra, EVN vẫn có với nhiều khoản thu khác như thu cổ tức đầu tư vốn hơn 665 tỉ đồng, thu nợ của ngành dầu khí 692 tỉ đồng, thu tiền phạt hợp đồng 127,5 tỉ đồng, thu 330 tỉ đồng của nhà máy điện Uông Bí mở rộng… Hiện nay, các bộ Công thương, Tài chính đã phải làm việc lại với EVN để đề xuất với Chính phủ cách thức xử lý với khoản chênh lệch mà EVN không hiểu do cố tình hay vô ý đã tính toán sai.
Nghi ngờ về “giá nội bộ”
Ông Vương Đình Huệ đã nói rất rõ, rằng có nhiều khoản chi phí lớn, kiểm toán Nhà nước đã không có đủ điều kiện để xác định như chi phí về nguồn nguyên liệu than cho các nhà máy điện mà chỉ riêng ba nhà máy đã tiêu thụ hết 1.700 tỉ đồng. Đó là câu hỏi chưa được làm rõ về tại sao nhiều công ty thành viên của EVN, sở hữu các nhà máy nhiệt điện lại có mức lợi nhuận rất cao, cao hơn hẳn so với các nhà máy thủy điện trong khi giá thành của các nhà máy nhiệt điện lại cao gấp nhiều lần giá thành sản xuất tại các nhà máy thủy điện. Ví dụ, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (sau thuế) của Nhiệt điện Cần Thơ là gần 28% trong khi tỷ lệ đó ở nhà máy thủy điện Thác Mơ chỉ có 4,4%… Hay việc kiểm toán Nhà nước cho biết, có những khoản đầu tư của EVN ra ngoài lĩnh vực chính (số tiền 3.590 tỉ đồng) là có lãi như vào EVN telecom có số lãi 60 tỉ đồng. Nhưng chính ông Huệ cho biết, các khoản chi phí vẫn chưa tính hết và nếu tính đủ thì đó lại là một nguy cơ tiềm ẩn (thua lỗ) trong tương lai… Hiện nay, EVN vẫn duy trì giá bán điện nội bộ trong các nhà máy thuộc EVN quản lý thấp hơn 70 đồng/kWh so với giá bình quân bên ngoài. Đây là yếu tố gây nhiều nghi ngờ về tính hợp lý của giá điện cũng như việc duy trì giá nội bộ có là cách để EVN chuyển lợi nhuận giữa các thành viên trong tập đoàn?
Trong đợt kiểm toán lần này tại EVN, kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hàng ngàn tỉ đồng tăng thuế từ khoản chênh lệch giá bán điện (1.216 tỉ đồng); do phát hiện những khoản tính sai về doanh thu khác của EVN.... Ngoài ra, kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra có những công ty điện lực như Điện lực TP.HCM còn đem tiền vay ngân hàng để xây sân tennis, công ty Điện lực II thì đem 45 tỉ đồng mua cổ phiếu chẳng qua trình duyệt… Những điều ấy, chưa chỉ được đích danh, ai sẽ phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật vì những việc làm sai nguyên tắc như vậy. Tăng giá điện là “yêu cầu khách quan”
Trả lời câu hỏi trên của PV tại buổi họp báo, ông Huệ cho rằng, năm 2009, những yếu tố làm tăng giá bán cũng rất lớn như xóa bỏ bù lỗ, bao cấp về giá than, giá khí để chạy các nhà máy điện chạy khí cao... Vì vậy, kiểm toán Nhà nước nhận định, yêu cầu tăng giá bán điện là khách quan.
Tuy Nhiên, ông Huệ cũng cho biết có những cơ sở để EVN có thể giảm chi phí sản xuất điện. Ví dụ, nếu từ nay đến năm 2010, EVN giảm được tỷ lệ tổn thất điện năng như kế hoạch (còn 8%) thì sẽ tiết kiệm được 1.440 tỉ đồng. Cộng thêm các yếu tố như giá dầu giảm mạnh, phát huy tốt công suất một số nhà máy thủy điện, có giá thành sản xuất điện rất thấp như thủy điện Hòa Bình (giá thành điện chỉ 160 đồng/kWh); xử lý tốt số lượng lớn vật tư, thiết bị tồn kho hiện nay của EVN (khoảng 2.000 tỉ đồng)…