.

Kính giả, tiền thật, tật mang…

.

Không phải trả tiền mặt bằng, tiền thuế, tiền thuê nhân viên, kính vỉa hè dễ tiếp cận với người đi đường bằng những mẫu mã bắt mắt, giá cả lại phù hợp. Thế nhưng, những cặp kính được bày bán ở đây đa số là hàng giả, hàng nhái… của nhiều hãng kính nổi tiếng, thậm chí đeo những loại kính này có thể sẽ làm cho mắt bị tổn thương.

Tràn lan kính giả

Kính “dỏm” được bày bán ở vỉa hè.
Đã từ lâu, những điểm bán kính mắt vỉa hè trên nhiều tuyến đường tại thành phố Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc đối với không ít người tiêu dùng bằng những cặp kính thời trang và giá cả phù hợp. Người bán chỉ cần bỏ ra khoảng 10 nghìn đồng mua một tấm ni-lon rộng chừng 2-3m2 là có thể bày ra hàng trăm cặp kính đủ loại. Người bán kính vỉa hè ít khi ngồi cố định, họ thường di chuyển mỗi khi vắng khách hoặc có cơ quan chức năng đi kiểm tra.

Trong vai người đi mua kính vỉa hè trên đường Tôn Đức Thắng, chẳng phải mất nhiều thời gian để chọn một chiếc kính hợp thời trang và giá cả có thể chấp nhận được. Thấy tôi có vẻ ưng ý chiếc kính trên tay, chủ sạp kính nói giọng Bắc thổ lộ: “Kính ở đây toàn là hàng nhập lậu từ Trung Quốc về nên giá bán rẻ hơn nhiều so với kính ở các cửa hàng bán hàng chính hãng”.
 
“Thôi đi bà chị, kính ở làng Lịch Động do người Thái Bình sản xuất phải không?”. “Thế em ở Thái Bình hả? Chỗ người cùng quê chị nói thật, đây là kính ở làng Lịch Động nhưng không phải mắt kính làm bằng đít chai đâu nhé! Mỗi tháng chị về quê lấy kính của các chủ đầu nậu và đưa vào Đà Nẵng bán, chứ ở nhà làm nông vất vả lắm!”.

Đến một sạp kính khác trên đường Nguyễn Lương Bằng, tại đây người bán tư vấn cho một cặp kính đen gọng bằng mạ kẽm và giới thiệu đây là loại kính thời trang mới nhất hiệu Doran, hàng “xịn” nên cả sạp chỉ còn có một vài đôi. Chưa kịp đeo thử kính, chủ sạp bồi thêm câu: “Quá đẹp! Khỏi phải lo đi, ở các sạp khác thì anh không biết, chứ riêng sạp này không bán kính “dỏm” đâu”. 

Đề cập đến giá cả, anh ta nói thẳng”: Thấy chú là người Bắc, anh bán bằng vốn 100 nghìn đồng”. Nhưng khi tôi trả 40 nghìn đồng, anh ta lưỡng lự một vài phút và cuối cùng cũng “OK” luôn. Cùng với loại kính trên, nhưng là hàng chính hãng được bày bán ở cửa hàng kính mắt tại đường Lê Duẩn, giá thấp nhất cũng phải 200 nghìn đồng. Như vậy, chỉ cần so sánh về giá cũng đủ biết, kính bán vỉa hè là hàng “dỏm” hay hàng thật?.

Tiền thật - tật mắt

Bệnh nhân đến khám mắt tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Theo Thạc sĩ, Nguyễn Nam Trung, Khoa Mắt Bệnh viện C Đà Nẵng, hầu hết những người bán kính vỉa hè ít có kiến thức về nhãn khoa, hơn nữa kính được bày bán ở vỉa hè thường là các loại kính kém chất lượng, nếu đeo lâu có thể sẽ bị tổn thương đến mắt. Theo quy định, kính chuẩn phải bảo đảm lọc được một số tia tử ngoại, hồng ngoại… có thể gây hại đến mắt. Nhiều kính rẻ tiền, mắt kính có cấu tạo lồi lõm hơn so với yêu cầu chuẩn, gây nên biến dạng hình ảnh.
 
Nếu đeo lâu dài, mắt sẽ phải tự điều tiết để thích nghi với sự biến dạng hình ảnh do kính gây ra. Hơn nữa, kính “dỏm” không có chức năng chắn được tia cực tím, đeo lâu rất có thể gây đục thủy tinh thể cho mắt. Có cả trường hợp dị ứng với gọng kính kém chất lượng, bị đỏ da, mẩn ngứa, nổi mụn nước trên da mặt trùng với diện tiếp xúc của kính và da. “Nếu đeo kính “dỏm” mà xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt… nên đi khám chuyên khoa vì những biến chứng của mắt rất khó lường”, bác sĩ Trung khuyến cáo.

Ai quản lý?

Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các sạp kính được bày bán trên vỉa hè ở Đà Nẵng, nhưng riêng 2 tuyến đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Lương Bằng, ít nhất có khoảng 30 sạp kính vỉa hè di động mỗi ngày. Sự tồn tại của các sạp kính này không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, mà nó còn ảnh hướng đến các nhà kinh doanh, nhà sản xuất kính chính hãng. Nguy hiểm hơn, nhiều người tiêu dùng vì ham rẻ nên mua kính này sử dụng, rất có thể về lâu dài sẽ bị tổn thương đến mắt.

Thế nhưng, sự tồn tại và ngày càng lan rộng của các sạp kính “dỏm” lại chẳng có một cơ quan chức năng nào đứng ra ngăn chặn. Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT Đà Nẵng: Không chỉ các sạp kính được bày bán ở vỉa hè là có kính “dỏm”, mà ngay cả các cửa hàng kính có tên tuổi, kính “dỏm” cũng được trà trộn vào. Hiện tại, lực lượng QLTT đang lên kế hoạch rà soát các điểm bán kính tại vỉa hè; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng “ra tay”, tốt nhất người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua kính để bảo vệ đôi mắt của mình. Đừng ham của rẻ dẫn đến tiền mất tật mang.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.