.

Liên kết để tạo sức bật mới cho miền Trung

.

Bên lề Hội chợ Thương mại Quốc tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 2008 tại Đà Nẵng vừa qua, ông Nguyễn Văn Diễm, Vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới (Bộ Công thương) cho rằng:

Lãnh đạo thành phố tham quan gian hàng của một số địa phương.

Một trong những yếu tố quan trọng nhằm phát triển kinh tế bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế là sự đồng thuận giữa các nhà hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương. Chính sách ở đây bao gồm sự phối hợp, liên kết để tạo nên sức mạnh tổng thể không chỉ đối với những tỉnh, thành phố nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mà cần phải lan rộng ra các vùng khác.

Cần sự kết dính

Vừa qua, Hội chợ Thương mại Quốc tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung năm 2008 (Crexpo 2008) được tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng, không ngoài mục đích làm cầu nối cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm cơ hội hợp tác lâu dài. Hội chợ được xem như một “ngôi nhà chung” để các địa phương trong khu vực miền Trung cùng tìm ra “chất kết dính” trong sự liên kết phát triển. Trong khu vực dành cho các gian hàng giới thiệu những tiềm năng và thế mạnh, địa phương nào cũng đem đến những lợi thế để chứng minh cho sự hấp dẫn của mình. Thế nhưng khi đề cập đến vấn đề: Vì sao miền Trung phát triển chậm? Nhiều ý kiến đưa ra, do thiếu sự phối hợp liên kết đồng bộ. Câu trả lời có phần buồn tẻ nhưng đến lúc cần phải xem lại cách làm bấy lâu nay.

Ông Nguyễn Văn Trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại-Du lịch tỉnh Trà Vinh lý giải: “Nếu tỉnh nào cũng muốn vượt lên trước, trở thành tâm điểm về tăng trưởng kinh tế của khu vực miền Trung, dẫn tới sự thiếu liên kết là điều dễ hiểu. Thậm chí, các tỉnh nhiều khi phải cạnh tranh trực diện một cách gay gắt với nhau, như vậy rất khó tạo nên được mối liên kết hợp tác lâu dài và chân thành”.

Nỗ lực làm mới mình

Một năm, mỗi địa phương có đến mấy hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm của mình. Điều tưởng chừng như đã cũ nhưng không thừa, đó là hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu kinh tế được đẩy mạnh  thường xuyên là cần thiết, cũng như việc đánh bóng thương hiệu của doanh nghiệp nếu không muốn mình bị lãng quên.

Đà Nẵng được xem là tiêu điểm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, vai trò của Đà Nẵng là phải chủ động hơn nữa trong việc làm đầu mối liên kết cho cả vùng. Tại hội chợ lần này, ông Trần Phước Chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng khẳng định: Đà Nẵng đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để tạo nên sự liên kết chặt chẽ trong việc xúc tiến hợp tác không chỉ đối với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà xa hơn nữa là các tỉnh, thành trong và ngoài nước.
 
Để miền Trung phát triển mạnh mẽ và bền vững, các địa phương trong vùng cần phải mạnh dạn trao đổi, góp ý và đề xuất các chương trình hợp tác và các cơ chế chính sách nhằm phát huy được thế mạnh của từng địa phương. Khu vực miền Trung-Tây Nguyên giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ nhưng lâu nay chúng ta chưa tận dụng hết được thế mạnh đó. Hội chợ này là sự kiện thương mại lớn nhất của khu vực trong năm nay, góp phần tạo nên sắc thái mới cho miền Trung, xứng tầm với vị thế đầu cầu trong chuỗi liên kết trên hành lang kinh tế Đông Tây”.

Hội chợ Crexpo 2008 vừa kết thúc, hàng chục tỉnh, thành nằm trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận… đã có cơ hội giới thiệu với các nhà đầu tư về tiềm năng cũng như thế mạnh.  Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh ở mỗi địa phương chỉ là yếu tố “cần”, để có được yếu tố “đủ”, mỗi địa phương cần có những cái bắt tay liên kết.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.