.

Miền Trung - Tây Nguyên: Cây - con gì?

.

Cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MTTN) dài rộng đã đóng góp quan trọng vào thành quả của nền sản xuất nông nghiệp quốc gia. Đặc biệt các sản phẩm như cao su, cà-phê, tiêu, mía đường, sắn tinh bột… xuất khẩu mang lại giá trị đáng kể và có vị trí, thương hiệu cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, những kết quả hiện tại là chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, nhân lực và sự đầu tư.

Người trồng cà-phê liệu có còn niềm vui?

Đã có nhiều nỗ lực đi tìm lời giải cho vấn đề này. Cuộc Hội thảo “Báo Đảng địa phương với công tác tuyên truyền về chế biến sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển vùng nguyên liệu” được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua tại Quảng Trị đã làm bật lên nhiều trăn trở, suy tư rằng người nông dân MTTN đã và vẫn chưa thoát ra được vòng luẩn quẩn “cây gì?, con gì?”.

Thời sự và làm “tổn thương” hội thảo là phát biểu của lãnh đạo Nhà máy Chế biến cà-phê Thái Hòa (Hướng Hóa - Quảng Trị): “Chúng tôi đang thu mua cà-phê chè quả tươi của nông dân với giá 4.000 đồng/kg, với giá ấy người trồng cà-phê mới hòa vốn, trong khi doanh nghiệp chúng tôi lỗ 3 triệu đồng/tấn. Nhưng nếu không làm thế, người trồng cà-phê thả cho rụng không thu hoạch, hoặc họ “dọa” chặt cà-phê trồng… sắn. Về quy hoạch phát triển, toàn vùng nguyên liệu Hướng Hóa mỗi năm hiện có khoảng 38 ngàn tấn cà-phê quả tươi, trong khi có đến 6 nhà máy với tổng công suất 100 ngàn tấn/năm, chưa kể hàng chục lò chế biến thô sơ, thủ công…”. Thông tin từ tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Trị, Quảng Bình - những “vựa cao su” của Việt Nam, cũng báo động rằng tình trạng giá mủ cao su xuống thấp không phanh như hiện nay đã làm rộ lên nỗi lo của điệp khúc “chặt cây này trồng cây kia”.

Do công tác quy hoạch cây - con trên lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều yếu kém, bất cập, thiếu tầm nhìn nên việc để người nông dân tự phát chạy theo phong trào cây này, con này khi thấy giá đắt hoặc chặt bỏ để chạy theo con kia, cây kia là rất phổ biến, và lặp lại nhiều lần ở nhiều địa phương MTTN.

Nhiều báo cáo tham luận tại cuộc hội thảo này đã nhấn mạnh đến các loại cây, con là sản phẩm của Nghị quyết ở các địa phương vẫn phải trả học phí đắt do sai lầm từ công tác quy hoạch, phản biện kém. Tỉnh Thanh Hóa mất trắng 90 tỷ đồng vốn NH vì cây cà-phê không thích hợp với đất đai, khí hậu ở đó. Cây dầu tằm cũng ngốn hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân sách và NH ở nhiều địa phương MTTN. Tại Quảng Ngãi - “kinh đô” của mía đường cũng không phải không có vấn đề: Đất đai phân tán, quy hoạch chồng lấn cây con, nhà máy công suất thấp, năng suất mía thấp… khiến cho ngành kinh tế mũi nhọn này không những không nhọn được mà còn đứng trước nhiều thách thức. Cũng tại Quảng Ngãi, giấc mơ “cây điều - nhà máy dầu thực vật” cũng… “tan giấc mơ hoa” khi cây điều không thể sống ở đất này, một nhà máy chế biến hạt điều thành phế tích với rất nhiều tiền tỷ của nhân dân.

Bao giờ, người dân mới hết điệp khúc: hết cây này lại đến cây kia?

Vấn đề là, những câu chuyện ấy vẫn cứ tiếp tục là tin thời sự của… báo ngày! Một báo cáo được coi là mạnh mẽ, “nhìn thẳng vào sự thật” từ Quảng Nam cho biết tại tỉnh này từ mía đường cho đến hạt điều, tinh bột sắn, dứa, ớt… đều thất bại, người nông dân bị đẩy vào tình cảnh nợ nần, phá sản vì hết cây này, con này đến cây kia, con kia. Điều khiến đông đảo đại biểu có mặt tại hội thảo phải “không ngừng… ưu tư” là báo cáo này thẳng thắn chỉ rõ trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của các chương trình dự án cây gì, con gì có nguyên nhân từ báo chí. Đó là khả năng phản biện xã hội của báo chí chưa tròn, là sự non yếu trong nghiệp vụ, hiểu biết của các nhà báo khi tác nghiệp trước những vấn đề kinh tế. Một số ý kiến mạnh mẽ khác cũng chỉ ra rằng nhãn quan, tầm nhìn quy hoạch yếu kém, duy ý chí, bất chấp quy luật tự nhiên… ở một số địa phương trong một số loại cây, con đã đưa lại những hậu quả vô cùng lớn về kinh tế-xã hội; mà nặng nề nhất vẫn là sự gánh chịu của người nông dân!

LÂM CHÍ CÔNG 

;
.
.
.
.
.