.

Một năm biến động của ngành dệt may

.

Dệt may là một ngành chủ lực của Công nghiệp thành phố, thu hút nhiều lao động nhất, khoảng 70% lao động toàn ngành. Vì vậy, ngành dệt may cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong sản lượng của ngành công nghiệp. Vậy nhưng trong năm 2008, sự biến động, thăng trầm của ngành dệt may ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành kế hoạch, phát triển của ngành công nghiệp.

Hoạt động tín dụng ở một ngân hàng TMCP lớn.

Năm 2008, ngành dệt may chịu nhiều biến động nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Bắt đầu là sự mất giá của đồng đô-la Mỹ (đồng ngoại tệ chủ yếu trong thanh toán xuất khẩu) đã làm điêu đứng nhiều DN, có DN thiệt hại hàng tỷ đồng do việc ký hợp đồng trước khi xảy ra sự mất giá của đồng đô-la Mỹ. Không ít DN đã phải sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động và giữ công nhân.
Ngoài ra, các đơn vị còn phải chịu nhiều khó khăn khác như lãi suất ngân hàng tăng, giá xăng, dầu tăng… Một số DN đã có ý tưởng chuyển hướng SXKD, mở thêm ngành nghề khác để đề phòng rủi ro. Vì vậy, đến hết tháng 10-2008, hầu hết các DN chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch năm, một số DN chỉ bằng khoảng 90% so với cùng kỳ năm 2007, nhất là các đơn vị xuất khẩu hàng qua thị trường Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Một số DN có sản lượng và giá trị khá nhờ xuất khẩu sang thị trường ổn định và thanh toán bằng đồng euro như Công ty CP Dệt- may 29-3 đến hết tháng 10 đạt giá trị 119 tỷ đồng, đạt gần 80% kế hoạch; Công ty Vinatex đạt khoảng 157 tỷ đồng;

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đạt khoảng 630 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Các đơn vị sản xuất hàng nội địa là chủ yếu như Công ty Dệt may Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty Phong Phú… cũng chịu ảnh hưởng của sự biến động trên, giá trị sản lượng và doanh thu đều không đạt so với kế hoạch, do sức mua trên thị trường giảm. Ngoài ra, cũng do sự biến động thất thường của thị trường, nhiều khách hàng đã giảm số lượng và quy mô các đơn hàng, gây không ít khó khăn cho việc tổ chức sản xuất và đầu tư mở rộng của các DN.

Mặt khác, các khách hàng chậm thanh toán cũng gây khó khăn cho các DN. Các sản phẩm màn tuyn của Công ty CP Dệt Hòa Khánh, vải các loại của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ trước đây tiêu thụ mạnh trong nước nay cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Hậu quả của những biến động trên là rất nhiều đơn hàng, các hợp đồng với các đối tác nước ngoài đã phải hủy bỏ vì nếu sản xuất sẽ lỗ rất lớn, mặc dù khi hủy bỏ, các DN phải chịu một khoản bồi thường không nhỏ.

Thêm vào đó, hàng dệt may luôn có tính thời vụ và yêu cầu về thời gian giao hàng rất khắt khe nên do các tác động trên, dễ không hoàn thành theo đúng hợp đồng. Chẳng hạn, thời điểm hiện nay là mùa đông nhưng các đơn hàng thời trang mùa xuân đang được sản xuất và chuẩn bị giao hàng, đồng thời đang vào thời điểm ký kết hàng mùa hè năm 2009.
Thêm vào đó là các đơn vị ở Đà Nẵng thường xuất hàng tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hải Phòng do lượng tàu vào Đà Nẵng không nhiều như các địa phương nói trên. Vì thế, tình trạng này không những làm tăng giá thành sản phẩm do phải tăng chi phí vận chuyển, mà làm cho các DN luôn trong tình trạng bị động khi xuất hàng.

Các DN rất mong thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nói chung và ngành dệt may nói riêng, nhằm thu hút các nhà đầu tư đến từ các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu; có thêm các chính sách hỗ trợ DN, nhất là về vốn vay, tạo điều kiện về mặt bằng để phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.