Thống kê từ Sở Công thương cho biết, sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm tuy có tăng trưởng, nhưng giá trị còn đạt thấp do tác động của nhiều yếu tố, ước đạt 8.962 tỷ đồng, bằng 74,93% kế hoạch; dự kiến cả năm 2008 đạt 11.071 tỷ đồng, bằng 92,57% kế hoạch.
Sản xuất giày thể thao xuất khẩu ở Công ty Hữu Nghị. |
Trong đó, quốc doanh địa phương ước thực hiện 212,6 tỷ đồng, đạt 88,6% kế hoạch, chỉ bằng 29,3% so với cùng kỳ 2007; dự kiến cả năm 2008 thực hiện 270 tỷ đồng, đạt 112,5% kế hoạch, bằng 30,6% năm 2007 (do một số DN CPH chuyển đổi hình thức sở hữu sang công nghiệp dân doanh). Lý do này đã đưa công nghiệp dân doanh có sự chuyển biến mạnh cả về giá trị và tốc độ tăng trưởng với giá trị sản xuất ước thực hiện 2.898,7 tỷ đồng, đạt 105,79% kế hoạch, tăng 75,27% so với cùng kỳ 2007; dự kiến cả năm 2008 thực hiện 3.341 tỷ đồng, đạt 121,93% kế hoạch, tăng 68,9%. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, ước thực hiện 1.615,3 tỷ đồng, đạt 71,48% kế hoạch; dự kiến cả năm 2008 đạt 1.940 tỷ đồng, bằng 85,84% kế hoạch.
Một số nhà máy mới bước vào giai đoạn phát huy mạnh công suất đầu tư như Mabuchi Motor, Điện tử Việt Hoa, Dệt may ITJ Phong Phú, Công ty Tân Cường Thành và một số doanh nghiệp khác. Đây là nỗ lực rất lớn của các DN, cũng như sự chỉ đạo của thành phố đối với ngành Công nghiệp. Đặc biệt là các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định và duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN xuất khẩu (cho vay 27 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố), hỗ trợ cho các DN tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…
Với các dự báo cùng với những khó khăn khách quan do sự biến động của thị trường nguyên liệu thế giới cho thấy, ngành công nghiệp khó có khả năng hoàn thành kế hoạch năm nay. Sau khi tăng mạnh liên tục trong hơn 6 tháng đầu năm, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu đã bắt đầu giảm mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây, khó có thể vực dậy SXKD được ngay…
Thực trạng này đã làm cho hàng loạt các cơ sở sản xuất công nghiệp, kể cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài gặp muôn vàn khó khăn, sản xuất cầm chừng, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ. Các hợp đồng mới luôn có sản lượng thấp hơn nhiều so với trước. Thêm vào đó là lãi suất ngân hàng tăng cao làm cho rất nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa không có vốn để sản xuất. Hầu hết các DN hoạt động cầm chừng, không dám đầu tư mới, nhiều dự án đầu tư đã chậm tiến độ so với dự kiến.
Bên cạnh các khó khăn khách quan nói trên, một số yếu tố chủ quan có ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của ngành công nghiệp, đó là định hướng phát triển kinh tế-xã hội của thành phố gần đây có sự thay đổi, đầu tư phát triển công nghiệp ít được ưu tiên hơn so với các ngành du lịch và dịch vụ đã tác động nhất định đến việc thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp.
Công tác dự báo, nắm bắt diễn biến thị trường chưa kịp thời để tham mưu đề xuất UBND thành phố có những chủ trương sát đúng, nhằm hạn chế sự biến động của thị trường đối với sản xuất và đời sống. Các DN trên địa bàn còn lúng túng, thụ động trước thử thách của “hậu” WTO nên chưa mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ và đã để tuột mất nhiều cơ hội kinh doanh, không ký được nhiều hợp đồng như mong muốn.
Việc ngân hàng giảm lãi suất và sự phục hồi của nền tài chính thế giới những ngày qua, giá dầu giảm mạnh… là dấu hiệu tốt cho ngành công nghiệp tăng trưởng, song cũng ẩn chứa những nguy cơ, đòi hỏi các DN hết sức tỉnh táo để đưa ra những quyết định phù hợp, hạn chế thấp nhất những rủi ro.
Để có giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai, thành phố cần sớm triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và tập trung xây dựng Khu công nghệ cao tại Hòa Ninh, Hòa Khương để xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bán dẫn, vi mạch và thông tin truyền thông, công nghệ phần mềm… như Nghị quyết của HĐND thành phố đề ra.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH