.

Những căn nhà… cổ tích

.

Những lo ngại về tác động từ quá trình đô thị hóa như sự gia tăng dân số; giải quyết việc làm, nhà ở; môi trường và quản lý đô thị đã và đang được thành phố Đà Nẵng dồn nhiều tâm huyết để giải quyết. Với 2 chương trình táo bạo là “5 không” và “3 có”, trong đó, chương trình “Có nhà ở” đã đạt những kết quả bước đầu, cho phép người dân Đà Nẵng nghĩ về một sự an cư, lạc nghiệp… đầy xán lạn.

Chương trình “Có nhà ở”

Một buổi lễ bố trí nhà ở liền kề cho phụ nữ nghèo, bất hạnh TPĐN.
Một buổi sáng đầu mùa đông, vợ chồng anh Mai Văn Bê, tổ 43 phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà vừa nhận căn hộ chung cư tại khu vực Vũng Thùng bộc bạch “có nằm mơ gia đình chúng tôi cũng không thể tin mình có được căn hộ khang trang như vậy”. Đôi vợ chồng tuổi ngoài bốn  mươi mà quấn quýt như hồi son trẻ, vợ hối hả lau nền nhà vẫn còn phảng phất mùi vôi nồng, nền gạch bóng lên như gương; chồng miệng huýt sáo lau tấm cửa kính.
 
“Sau khi lập gia đình, vợ chồng không có chỗ ở nên cứ như mọi trai làng cá Nại Hiên cắm bừa túp lều ra nổng cát. Vợ đi làm công nhân chế biến thủy sản, tôi đi bạn đánh cá ngoài khơi. Khi có dự án đô thị mới phải giải tỏa nhà đất, tôi cứ nghĩ mình trắng tay, vô gia cư, nhưng thành phố đã quan tâm bố trí căn hộ chung cư” - anh Bê nói. Cuộc sống của đôi vợ chồng này bước sang trang mới mà chương trình “Có nhà ở” của thành phố đem lại.

Ở phòng kế bên, chị Lê Thị Hiền, tổ 4 Nại Tú, Nại Hiên Đông nói trong nước mắt: “Suốt 5 năm qua, với 5 bận thay đổi chỗ ở trọ nay vào ở căn hộ chung cư mới khang trang rộng 50m2, có phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và công trình phụ. Thật hạnh phúc”. Hai gia đình chúng tôi gặp trên đây cũng như hàng ngàn gia đình khác đã được thành phố quan tâm, hỗ trợ về nhà ở trong hơn 10 năm xây dựng và chỉnh trang đô thị. “Cuộc sống gia đình tôi vốn lay lắt thì nay thực sự được an cư, lạc nghiệp”, chị Hiền tâm sự.

Được biết, sau 3 năm thực hiện chương trình “3 có” (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị), riêng mục tiêu “có nhà ở”, thành phố Đà Nẵng đã có trên 15 chung cư với 2.206 căn hộ, tương đương 130.000 m2 sàn được đưa vào sử dụng, đạt 76,5% kế hoạch, để bố trí tái định cư cho hộ giải tỏa hoặc bán cho hộ có nhu cầu về nhà ở. Thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch tổng mặt bằng 29 địa điểm xây dựng chung cư trên địa bàn 5 quận với tổng diện tích 484.331m2, quy hoạch 5 điểm để xây dựng chung cư cho công nhân với quy mô 44.223m2.

Tổng kinh phí xây dựng là 225,1 tỷ đồng. Ngoài xây dựng chung cư, thành phố cũng phát triển quỹ nhà ở xã hội qua việc đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong năm 2008, 375 căn hộ dạng này với vốn đầu tư 17,6 tỷ đồng đã bàn giao, cấp cho người nghèo sử dụng. Ngoài sự đầu tư phát triển quỹ nhà ở từ chương trình “Có nhà ở” của thành phố Đà Nẵng, công tác xã hội hóa về nhà ở cho người nghèo được cộng đồng xã hội quan tâm.

Những ngôi nhà… cổ tích

Chung cư bắc đường Phan Tứ, góp phần ổn định nơi ở cho 62 hộ gia đình trẻ.

Từ chương trình vận động xây dựng nhà ở cho phụ nữ và trẻ em nghèo do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng phát động, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, tổ 6, Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, ngày nhận nhà mới đã vui mừng đến trào nước mắt. Người cha già, em gái và 2 con của chị Lan cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có ngày được “sinh hoạt riêng tư” trong một căn nhà rộng 67m2 sạch sẽ, khang trang so với 16m2 nhà thuê trọ bao năm qua.

Cầm giấy tờ nhà ở, hai chị em bà Lê Thị Thương và Lê Thị Hết, phường Xuân Hà, Thanh Khê có cảm giác như cuộc sống của các bà bước ra từ câu chuyện cổ tích. Đây là 3 trong số 126 gia đình phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh ở thành phố được giao nhà ở. Với phụ nữ, bao giờ họ cũng trăn trở làm thế nào để gia đình hạnh phúc, con cái được học hành đến nơi đến chốn và ngôi nhà là mơ ước cả đời của họ.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Lan, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng cho biết: “Dẫu đây không phải là nhà mà các chị được giao quyền sở hữu vĩnh viễn, nhưng lại là nơi mà các chị em nghèo cư trú để làm ăn, vun vén cho hạnh phúc gia đình mình”.

Một báo cáo điều tra, thống kê về thực trạng nhà ở do Bộ Xây dựng thực hiện và công bố vào tháng 9-2008 cho biết, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhà ở. Trong đó, vấn đề nhà ở xã hội, tỷ lệ cán bộ, công nhân, viên chức đã có nhà ở ổn định chiếm 76,6%; diện tích nhà ở bình quân của cư dân thành phố đạt trung bình 20m2/người, đây là tỷ lệ cao nhất nước hiện tại.

Đầu tư phát triển đô thị ở Đà Nẵng suốt chặng đường hơn 10 năm qua là hướng đến tầm nhìn tăng trưởng gắn với xóa đói giảm nghèo. Bước thực hiện là chỉnh trang, cải tạo và xây dựng mới khu đô thị gắn với giải tỏa di dời và tái định cư. Người dân Đà Nẵng đồng thuận, đồng hành với cuộc “cách mạng” đô thị hóa của thành phố. Đô thị hóa, một phần đã làm nên sự xoay chuyển cuộc sống và bảo đảm cho sự an cư của từng hộ nghèo, hộ gia đình có nhiều khó khăn. Vì thế, chúng tôi gọi đấy là những căn nhà… cổ tích.

Bài và ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG

;
.
.
.
.
.