(ĐNĐT) - Sau hơn 6 tháng tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường, đến nay Đà Nẵng đã có những kết quả khả quan về kiềm chế giá cả, ổn định kinh tế - xã hội. Trao đổi với chúng tôi xung quanh những kết quả này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết:
- Đầu tiên tôi muốn lưu ý, là tình hình biến động giá cả của Đà Nẵng nằm trong quan hệ tổng thể với nền kinh tế cả nước. Mọi diễn biến thị trường chung thời gian qua đều tác động đến mọi địa phương. Đà Nẵng không tách khỏi bối cảnh đó, cũng chịu tổn thất và ảnh hưởng nhất định. Nói về công tác kiểm soát thị trường, kiềm chế lạm phát của Đà Nẵng, phải nhìn nhận với mối quan hệ ấy, với các giải pháp đồng bộ, thống nhất trong cả nước, có chỉ đạo từ Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương phát biểu chỉ đạo tại buổi ra mắt Đoàn kiểm tra liên ngành giá cả thị trường thành phố. |
Chỉ có điều, do đặc thù kinh tế địa phương, và hướng chỉ đạo thống nhất, kịp thời, Đà Nẵng có những kết quả riêng. Về điều này, cá nhân tôi cho rằng, Đà Nẵng đã làm tốt, tích cực giải quyết được một số vấn đề cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về chủ trương hành động, ngay từ đầu, thành phố đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát giá cả thị trường, nhằm phối hợp hành động của các ngành chức năng về một đầu mối. Đó là giải pháp kịp thời và phù hợp thực tiễn địa phương. Nhờ vậy, thành phố chủ động dự báo tình hình, có những can thiệp kịp thời, hiệu quả trong kiểm soát thị trường, giúp các DN điều tiết tích cực các kênh phân phối, hiệu chỉnh giá cả.
Bên cạnh chủ trương ấy, là thái độ tích cực, kiên quyết của thành phố trong hành động kiểm soát. Vụ đột biến giá gạo cuối tháng 4 là một minh chứng. Chỉ trong vòng 3 ngày, chúng ta đã cơ bản khống chế khả năng lũng đoạn, thao túng thị trường của đối tượng đầu cơ, bằng cách đưa ngay nguồn gạo dự trữ ra bán hỗ trợ giá cho nhân dân. Hành động kịp lúc đó của chúng ta, mấy ngày sau các địa phương khác mới làm. Đấy là một kết quả tích cực ai cũng phải ghi nhận.
Tương tự thế, khi kiểm soát giá cả vật liệu xây dựng trên địa bàn, chúng ta phát hiện nhiều cơ sở làm gạch, kinh doanh sắt thép bán quá giá so với giá thành sản xuất, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kịp kiểm tra và xử lý, buộc các cơ sở vi phạm lập tức điều chỉnh giá, tổ chức phân phối hợp lý, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Từ mặt hàng này, chúng ta mở rộng kiểm soát, ngăn chặn những dấu hiệu khả nghi khác về kinh doanh như xăng dầu, xi măng, phân bón, thuốc tây…
Tôi nêu những điểm trên, chỉ là một phần trong nhiều việc chúng ta đã làm được. Kết quả, thị trường Đà Nẵng đã tránh được những đột biến bất lợi về thị trường ở từng thời điểm cụ thể. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát tốt địa bàn, giá cả tại chỗ, góp được tiếng nói tích cực trong tổng quan chung của cả nước về kiềm chế lạm phát giá cả.
* Theo những nhà phân tích, tiếp sau diễn biến lạm phát giá, sẽ là nguy cơ xuất hiện giảm phát. Các DN Đà Nẵng đang lo điều này. Theo ông, làm sao để ngăn chặn được tình hình đó ?
Ông Võ Duy Khương: Quy luật kinh tế luôn như vậy, sau lạm phát sẽ là nguy cơ giảm phát, không thể tránh khỏi. Vấn đề là làm sao ta hạn chế lạm phát cũng như giảm phát trong khả năng tích cực nhất. Sau giai đoạn kiểm soát thị trường giá, tất nhiên sẽ xuất hiện khả năng sức mua thị trường giảm sút, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các DN; và do vậy, quy mô sản xuất của DN sẽ giảm đi, tăng trưởng kinh tế do vậy sẽ bị ảnh hưởng.
Thị trường Đà Nẵng luôn giữ được sự bình ổn giá cả trong thời gian qua. |
Tuy nhiên, ở đây phải tinh tế khẳng định, chúng ta kiểm soát chứ không khống chế; định hướng DN điều tiết chứ không can thiệp hoạt động kinh doanh sản xuất của họ. Theo tôi, phải nhìn quá trình kiểm soát lạm phát vừa rồi của chúng ta là một mặt, phải kịp thời thắt chặt tài chính, nhưng luôn tìm giải pháp tạo thêm điều kiện cho các DN làm ăn nghiêm túc. Chỉ có DN mập mờ, có vấn đề, mới tranh thủ dao động thị trường để kiếm lợi nhuận bất hợp lý. Đấu tranh chống tăng giá, là chúng ta hiệu chỉnh luồng chảy thị trường đúng các quy luật tất yếu của thị trường, trong đó các DN mạnh khỏe sẽ tự động tăng thêm uy tín, cơ hội.
Vấn đề là, song hành kiềm chế lạm phát, chúng ta phải hỗ trợ hơn nữa các DN làm ăn tốt, có trách nhiệm với người tiêu dùng. Không nên để xảy ra những hiểu lầm, đánh đồng thông tin, làm giảm uy tín, cơ hội của những DN đó. Các kênh thông tin phải nghiêm túc chỉ ra những mặt tiêu cực, những nhân tố chưa tốt, đồng thời giúp người tiêu dùng nhận ra các DN làm ăn nghiêm túc để lựa chọn. Một khi các DN đó được cổ vũ, được hỗ trợ tăng cường các biện pháp kinh doanh hiệu quả, nỗi lo giảm phát chắc chắn sẽ giảm.
Về phía chính quyền, thời gian qua các DN đều thấy rõ, thành phố đã linh động giảm một số dự án đầu tư chưa cần thiết để dành một khoản ngân sách cho các DN làm ăn hiệu quả được vay ưu đãi thông qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để đầu tư cho xuất khẩu. Đó là biểu hiện tinh thần sát cánh cùng DN của thành phố, để phòng ngừa nguy cơ lệch hướng khi dịch chuyển từ bối cảnh này sang bối cảnh kia. Đồng thời, thành phố cũng tích cực lựa chọn, cắt giảm một số hoạt động đầu tư, dự án công trình chưa cấp thiết, điều chỉnh vốn cho những công trình cần hoàn thành sớm để đưa vào phục vụ sản xuất và đời sống. Những biện pháp này đã tác động thúc đẩy, khiến nhiều kế hoạch phát triển của nhiều DN phải dịch chuyển theo hướng tích cực hơn.
* Vậy thưa ông, sắp đến, Đà Nẵng cần có tiếp những hành động gì để phát huy các kết quả có được, tiếp tục giữ vững ổn định thị trường, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội?
Ông Võ Duy Khương: Diễn biến kinh tế toàn cầu hiện nay chưa ai có thể nói trước được. Vì thế, thời gian đến thị trường có còn phát sinh những tiêu cực hay không, chúng ta cần tiếp tục theo dõi, điều chỉnh, nhận định đúng và có các biện pháp thích hợp. Dù nhiều hay ít, thị trường chúng ta đã hội nhập và tiếp tục hội nhập với nền kinh tế thế giới, tình hình này sẽ càng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn, khó khăn cho DN tất nhiên sẽ còn nhiều.
Theo tôi, là thành phố sẽ linh hoạt kiểm soát thị trường, tăng cường hỗ trợ DN trong khả năng có thể của thành phố. Phải kết hợp được giữa yêu cầu giữ vững ổn định thị trường - giá cả - các biện pháp chống gian lận thương mại với yêu cầu kích thích, cổ vũ nhu cầu tiêu dùng hợp lý. Các DN cần chủ động tình hình sản xuất, xuất khẩu khi lãi suất ngân hàng vừa được tiếp tục điều chỉnh hợp lý hơn. Các cơ quan, ban ngành cần hết sức cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN thêm cơ hội làm ăn, giảm chi phí, cụ thể vào thời điểm cuối năm, thị trường vào mùa Tết.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, nếu tiếp tục có sự hợp tác, đồng thuận cao từ các cơ quan quản lý đến DN và người tiêu dùng, thành phố Đà Nẵng sẽ sớm vượt qua những khó khăn để tiếp tục giữ vững thế phát triển trong thời gian đến.
* Xin cảm ơn ông.
Thụy Bất Nhi (thực hiện)