.

Sợ sữa, sợ luôn bánh kẹo

.

Những náo động liên quan đến sự kiện sữa và các sản phẩm từ sữa nhiễm melamine chỉ mới tạm lắng, người tiêu dùng đã có tâm lý sợ hàng Trung Quốc. Từ đó, nhiều loại bánh kẹo Trung Quốc gần đây cũng bị người tiêu dùng tẩy chay.

“Đừng mua hàng Trung Quốc, bán không được đâu”!

Tần ngần trước rổ bánh kẹo.
Tại một quầy hàng bán sỉ bánh kẹo ở gần Siêu thị Đà Nẵng, khi nghe tôi hỏi về kinh nghiệm mua bán, người phụ nữ chuyên bán bánh kẹo cho trẻ em đã mách nước như trên. Chị cho biết, hàng Trung Quốc đã không còn được ưa chuộng, do “cha mẹ mấy đứa nhỏ không cho ăn mấy hàng đó nữa em ơi!”, rồi còn dặn thêm:
 
“Lần đầu bán, nên mua đậu phụng, snack, sữa hộp... cho chắc”. Cũng cùng thái độ khá dè dặt, chị Nở, bán sỉ bánh kẹo ở chợ Cồn lắc đầu: “Hàng Trung Quốc mấy bữa chị bán chạy lắm! Nhưng từ bữa ti-vi nói sữa Trung Quốc độc tới chừ, nói miết rồi họ cũng không dám ăn bánh kẹo luôn”. Chị Nở chỉ cho tôi các loại bánh, mứt, chuối khô được sản xuất đại trà, bán theo ký (kg – PV): “Mấy cái ni rẻ mà ngon, hàng mình (trong nước sản xuất) đó. Em mua về phân ra bán có lời lắm.

Còn hàng Trung Quốc trưng bày không khéo, họ tới kiểm tra xử phạt cả mấy trăm ngàn. Lời đâu không thấy đã lỗ rồi. Ở đây chị cũng đâu dám trưng bày”. Hiện nay, trên hầu hết các quầy hàng bánh kẹo chợ Cồn và khu gần Siêu thị Đà Nẵng, các mặt hàng có nhãn trong nước, hoặc mang tên những nhãn hiệu quen thuộc đang chiếm vị thế chủ đạo. Hàng Trung Quốc chiếm số lượng rất ít (khoảng 5% trên tổng số mặt hàng), và thường nằm ở những vị trí khá khiêm tốn, hoặc bị các hàng khác chèn lên trên.

Ông Phan Quang Cả, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Cồn đánh giá: “Trong mấy đợt kiểm tra gần đây, chúng tôi không còn phát hiện hàng bánh kẹo Trung Quốc. Người tiêu dùng tẩy chay, người bán cũng sợ, không dám buôn nữa. Trước đây hàng Trung Quốc có mạnh đến mấy, giờ chắc chắn không sống được”.

Nhận biết bánh kẹo Trung Quốc qua... chữ ngoằn ngoèo

Dạo một vòng quanh các hàng quán trước các Trường tiểu học Phù Đổng, Kim Đồng, THPT Phan Châu Trinh..., chúng tôi nhận thấy, hàng bánh kẹo Trung Quốc với các bao bì đầy màu sắc không còn “dụ” được học trò. Người bán trước trường Phù Đổng cho hay: “Hồi trước bán hàng đó đắt, chừ ế lắm, nên không dám mua”.

Giờ tan học ở Trường tiểu học P.P.T, một trường ngoại thành, học sinh các khối lớp chen nhau mua đồ ăn trong khi chờ ba mẹ đến đón. Trái với khung cảnh chúng tôi ghi nhận từ các trường nội thành, tại đây hàng Trung Quốc vẫn được học trò ưa chuộng. Đủ loại bánh, kẹo, nước giải khát, táo khô, bột, bạc hà... ghi chữ Trung Quốc, không xác định được ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, chiếm tới phân nửa số hàng. Một người bán đưa tôi mấy gói ô mai, đông sương, nho khô... dày đặc chữ Trung Quốc, màu sắc sặc sỡ,  giá chỉ từ khoảng 250 đồng – 1.000 đồng/1 gói, nói chắc ăn:
 
“Mấy cái ni ngon nì, mấy đứa nhỏ thích ăn nhứt!”. Bé N.B.Đ, học sinh lớp 2 Trường P.P.T cho biết: “Từ lớp 1, mẹ con đã dặn không ăn đồ Trung Quốc. Con với mấy bạn gái không ăn, nhưng mấy bạn trai ăn nhiều lắm!”. Cách nhận biết của cô bé và nhiều học sinh tiểu học khác rất ngây thơ: “Thấy chữ ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo là đồ Trung Quốc”. Cũng theo Đ.T.G, một học sinh lớp 8 Trường THCS L.T.V (cũng ở ngoại thành), tuy thầy cô có khuyến cáo không được mua thức ăn bậy bạ, không ghi chữ tiếng Việt rõ ràng, nhiều bạn trong lớp “có sợ sợ, nhưng cứ ưa mua đồ Trung Quốc, vì thấy đẹp, giá rẻ, ăn cũng ngon ngon”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.