.

Tăng tốc tại các khu công nghiệp

.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Đà Nẵng, 10 tháng năm 2008, tại 5 KCN và chế xuất, tổng giá trị xây lắp cơ sở hạ tầng đạt gần 45 tỷ đồng và trên 100 tỷ đồng giá trị đền bù và hỗ trợ, cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng cơ sở các KCN.

Phân xưởng dệt sợi nilon dùng cho sản xuất bao bì của Công ty Alphanam tại KCN Hòa Khánh.

KCN Hòa Khánh đã hoàn thành các hạng mục như cải tạo xong cống thoát nước hồ Bàu Tràm, xử lý chống ngập đường vào KCN. Tại KCN Hòa Khánh mở rộng đã thảm nhựa xong các đường 5B, 10B và hệ thống nước thải, hố ga trên nhiều tuyến đường. Tại các KCN Liên Chiểu, Hòa Cầm, nhiều hạng mục quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ. Nhờ vậy, đã thu hút được nhiều dự án mới, một số dự án đã khởi công xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2009.

Đến hết tháng 9-2008, đã có 16 dự án trong nước và 5 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký và đang hoàn tất thủ tục, cấp và giao đất với tổng số vốn đầu tư 908 tỷ đồng và 54,55 triệu USD. Điều đáng chú ý là mặc dù số dự án đầu tư nước ngoài không tăng so với cùng kỳ năm 2007, nhưng số vốn của các nhà đầu tư trong nước tăng 411,4 tỷ đồng so với năm trước. Vốn đầu tư nước ngoài đã tăng hơn 80,65 triệu USD so với 9 tháng năm 2007.
 
Trong 9 tháng của năm 2008, qua kiểm tra, Ban Quản lý đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 5 dự án không triển khai hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả. Hầu hết đây là các dự án giữ đất, hoặc không đủ khả năng tài chính đầu tư. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng đang xem xét việc thu hồi giấy phép của 8 dự án khác theo phương thức thu hồi một phần hoặc toàn bộ đất đã cấp để chuyển sang các dự án khác hiệu quả và khả thi hơn.

Đồng thời, Ban Quản lý cũng nghiêm túc đánh giá lại và nâng cao trình độ thẩm định các dự án trước khi cấp giấy phép đầu tư, tránh tình trạng một số nhà đầu tư xin dự án để giữ đất như vừa qua. Trong đó, ưu tiên cho các dự án có hàm lượng chất xám cao trong sản phẩm, phù hợp với khả năng nguồn nhân lực của thành phố trong tương lai  và đẩy mạnh công tác đàotạo nghề.

Tình hình đầu tư xây dựng trong 10 tháng qua của các dự án tại các KCN khả quan. Dự án Nhà máy sản xuất và lắp ráp động cơ diesel và máy phát điện, công suất 350.000 máy/năm và 125.000 máy cày tay/năm, vốn đầu tư 80 tỷ đồng của Công ty TNHH TM&DV Lắp máy miền Nam đi vào hoạt động từ đầu năm 2008.
 
Dự án Nhà máy sản xuất sợi, công suất 3 vạn cọc sợi, vốn đầu tư 160 tỷ đồng (Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ) hiện nay đang trong giai đoạn chạy thử và đầu tháng 11 sẽ đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, giá nguyên nhiên vật liệu đang có xu hướng giảm mạnh đột ngột sẽ kéo theo giá bán sản phẩm giảm.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu của công ty được mua từ trước khi sản xuất khoảng 3 tháng, nên sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường cũng gặp nhiều khó khăn. Dự án Nhà máy chế tạo kết cấu thép và thiết bị công nghiệp nặng, công suất 5.000-10.000 tấn/năm, vốn đầu tư 65,92 tỷ đồng (Công ty CP Lilama 7) đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2008,   giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện năm 2008 khoảng 30 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy Thép Đà Nẵng-Ý, công suất 150.000 tấn/năm, vốn đầu tư 175,2 tỷ đồng (Công ty CP Thép Đà Nẵng-Ý) đã đi vào sản xuất từ tháng 7-2008. Hiện nay, do tình hình khó khăn chung của ngành thép, tốc độ sản xuất tại nhà máy có giảm. Sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường nên cần thời gian để khách hàng kiểm định chất lượng, giá cả và dịch vụ. Khó khăn trước mắt của nhà máy là nguồn điện cung cấp thiếu ổn định.

Dự án Nhà máy Thép cao cấp Xuân Hưng, công suất 300.000 tấn/năm, vốn đầu tư 294,2 tỷ đồng (Công ty CP Xuân Hưng), dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2008 và tháng 1-2009 chính thức đi vào sản xuất. Dự án Nhà máy Liên doanh sợi-dệt-may mặc ITJ-Phong Phú, công suất 10 triệu mét vải/năm và 3 đến 3,5 triệu sản phẩm may mặc/năm, vốn đầu tư 65,4 triệu USD (giai đoạn 1). Dự án được tiến hành theo phương thức “cuốn chiếu”, hoàn thành đến đâu đưa vào hoạt động đến đấy. Do vậy, từ tháng 6-2008 đã bắt đầu sản xuất. Đến nay, toàn bộ dự án cơ bản hoàn thành.

Ngoài ra, nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2009 như Nhà máy sản xuất dây và cáp điện tàu thủy, công suất 8.000 tấn/năm, vốn đầu tư 283 tỷ đồng (Công ty Xây lắp và công nghiệp tàu thủy miền Trung) dự kiến quý 1-2009 hoàn thành và đi vào sản xuất thử. Dự án nâng cấp sản lượng sản xuất phôi thép lên 100.000 tấn/năm, vốn đầu tư 40 tỷ đồng (Công ty CP Thép Đà Nẵng), dự kiến khởi động vào quý 1-2009 và hoàn thành vào khoảng quý 3-2009.
 
Dự án Nhà máy điện tử Foster’s, vốn đầu tư 30 triệu USD (Công ty TNHH điện tử Foster’s Đà Nẵng) đang được nhà đầu tư triển khai phần xây dựng cơ bản, dự kiến hoàn thành vào quý 1-2009. Dự án Nhà máy động cơ điện số 3, công suất 220 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 201 tỷ đồng (Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng), dự kiến khoảng tháng 6-2009 sẽ hoàn thành. Khi các dự án này đi vào hoạt động, sẽ thu hút khoảng 5 đến 7 ngàn lao động.

Đến hết tháng 9-2008, các cơ sở trong nước tại KCN đã đạt doanh thu 1.761 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 292 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 68 tỷ đồng, tăng 39 tỷ so với cùng kỳ năm 2007. Các doanh nghiệp nước ngoài đạt doanh thu 88,3 triệu USD, xuất khẩu đạt 48,8 triệu USD và nộp ngân sách 15,7 triệu USD, tăng 7,6 triệu USD so với năm 2007.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.