.

Thị hiếu của giới trẻ

.

Doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam năm 2007 khoảng 45 tỷ USD, năm 2008 khoảng trên 50 tỷ USD, dựa một phần vào lớp dân số có hơn 60% là giới trẻ (lứa tuổi từ 22-40). Từ thị hiếu của giới trẻ là muốn sở hữu những món hàng sành điệu, hợp thời trang và vừa túi tiền, các công ty may mặc, giày dép, mỹ phẩm... hướng đến giới trẻ để sản xuất những mặt hàng phù hợp với nhu cầu của họ.

Sinh viên cũng là lực lượng đóng góp đáng kể vào trào lưu mua sắm trẻ.

Nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, nhất là lớp người trẻ đang trưởng thành, không còn dừng ở ăn ngon, mặc đẹp mà họ đang cần yếu tố “sành điệu”. Sự “sành điệu” này, theo kết quả nghiên cứu người tiêu dùng của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã chỉ ra: mặc không còn để che, mà “nhu cầu để khoe” ngày càng cao. Hơn 70% người tiêu dùng lớp trung niên mong muốn thời trang mang lại cho họ sự tự tin và vẻ đẹp; trên 80% người tiêu dùng trẻ tuổi mong đợi thời trang mang lại sự năng động và cá tính.

Việc xuất hiện nhiều khu trung tâm mua sắm ở Đà Nẵng trong thời gian gần đây đã cho thấy một thực tế, nhu cầu mua sắm ở Đà Nẵng hiện nay khá lớn và tạo sức hấp dẫn cho các nhà kinh doanh. Trong đó, giới trẻ đóng góp rất lớn vào doanh thu của các trung tâm mua sắm, tạo nên sự sôi động cho thị trường.

Nguyễn Thị Thanh Hoa, nhân viên Công ty FPT Đà Nẵng có một cách mua sắm khá độc đáo. Cô kể, sau vài lần mua sắm ưng ý tại shop M&N Fashion Thanh Hoa trở thành khách hàng “ruột” của shop, nên mỗi khi có hàng mới về, hàng độc là cửa hàng sẽ gọi điện cho cô. Gặp 2 bạn Trâm và Liên ở shop thời trang Xuân Thu, số 10 Hùng Vương khi hai cô đang ướm thử bộ cánh mới.

Trâm nói “Cả chiều nay tụi mình đã đi dạo một vòng tại các shop lớn trên đường Phan Châu Trinh nhưng chưa tìm ra được bộ nào ưng ý”. Liên góp lời “Tụi này chủ yếu đi mua sắm ở các cửa hàng bình dân, chỉ khi nào túi tiền rủng rỉnh mới đi shop. Buổi tối hay ra đường Lê Duẩn để ngắm hoặc mua hàng. Ở đó mẫu mã đẹp, lại phù hợp với túi tiền sinh viên…”.

Ngoài quần áo thời trang, bạn trẻ còn quan tâm đến những sản phẩm làm đẹp như thế này.

Theo ý kiến của những người hoạt động trong ngành may mặc thời trang, nhu cầu thích mua sắm của giới trẻ chính là đất sống, là cơ hội để hàng may mặc của các công ty Việt Nam phát triển. Nghiên cứu của BSA cũng cho thấy làn sóng phim Hàn đang có ý nghĩa hàng đầu trong các động lực tạo ra xu hướng tiêu dùng tác động đến 65,4% xu hướng tiêu dùng của người trẻ, so với các kênh như thời trang châu Âu chỉ 19,1%, bộ sưu tập mới của các nhà thiết kế chỉ 7,4%...

Cần một sự tư vấn

Theo nhìn nhận từ các công ty thời trang có mặt trên địa bàn, thái độ thích hưởng thụ đang phát triển mạnh trong giới trẻ và họ cho rằng đó là điều mà họ đáng được nhận trong cuộc sống hiện nay. Họ chi tiêu không cần tham khảo ý kiến của người thân.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH B.Q, 209 Lê Duẩn cho biết, B.Q là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh giày dép, quần áo, ví, thắt lưng cao cấp nên chúng tôi rất chú ý đến thị hiếu và xu hướng mua sắm của khách hàng. Nhiều người dân Đà Nẵng đã chú ý đến việc ăn mặc hợp thời trang. Một số bạn trẻ có thu nhập độc lập đã không ngại sắm cho mình một đôi giày hay một chiếc thắt lưng trị giá cả nửa tháng lương. Đó không còn là một hiện tượng mà trở thành trào lưu mua sắm trong giới trẻ.

Tuy nhiên, với đa số sinh viên, chiếm ưu thế vẫn là loại thời trang “hàng chợ” phần lớn có nguồn gốc từ Thái Lan, Trung Quốc... Xét về mẫu mã, dòng hàng này không "kém chị thua em" với các nhãn hiệu khác, thậm chí nhạy hơn trong việc liên tục đưa ra mẫu mã mới với giá cả hợp túi tiền nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài ra, chính sự thay đổi đến chóng mặt của thời trang khiến cho bộ sưu tập quần áo của giới trẻ cũng dày thêm, cao thêm.

Nhu cầu thích làm đẹp, đua đòi, thích thể hiện mình thường có trong tất cả chúng ta. Nên chăng chỉ là sự kìm nén những sở thích đó, hợp lý hơn trong chi tiêu, phù hợp với túi tiền mà vẫn bảo đảm được những sở thích rất chính đáng của con người trong xã hội hiện nay.

Cách đây 3 năm, một đề tài nghiên cứu về Thái độ của sinh viên hai trường ĐHKHXH&NV và ĐH Công đoàn (TP. Hồ Chí Minh) đối với thương hiệu một số sản phẩm may mặc của Việt Nam đã nói rõ được yêu cầu về phía các nhà sản xuất: Cần có chiến lược xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu của mình một cách đồng bộ. Định hình phong cách cho các sản phẩm của mình. Nghiên cứu thị trường để nắm bắt kịp thời xu thế thời trang, nhu cầu thị hiếu của sinh viên và giới trẻ đã đi làm, độc lập về tài chính. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ quảng cáo. Về phía các đại lý phân phối, cửa hàng bán sản phẩm: Người bán hàng là cầu nối giữa sản phẩm và khách hàng. Phải có kiến thức về thời trang và sự am hiểu về sản phẩm để có thể tư vấn cho khách hàng khi họ lựa chọn.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.