.
THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ TRƯỚC GIỜ G:

Doanh nghiệp Đà Nẵng sẵn sàng đến đâu?

.

(ĐNĐT) - Chưa đầy 2 tháng nữa, thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ trong nước theo cam kết gia nhập WTO, sẽ có hiệu lực. Các DN phân phối bán lẻ Đà Nẵng liệu đã sẵn sàng trước sự kiện này?

* Chuyển động để định hình

Hệ thống phân phối bán lẻ của các DN Đà Nẵng vẫn còn rất hạn chế.

Thiết lập được hơn 40 đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm trên toàn quốc, rải đều từ Thanh Hóa vào Tây Nguyên, riêng khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh chỉ lựa chọn một số cửa hàng giới thiệu. Đó là con số kết quả mà Công ty TNHH Giày BQ đã có được sau hơn 3 năm vận động đón đầu cạnh tranh hậu WTO.

Ông Phan Hải, giám đốc công ty, nhấn mạnh hệ thống phân phối này không chỉ tập trung vào yếu tố lợi nhuận doanh thu, mà còn có yêu cầu quan trọng hơn, phải tạo ra khả năng nhận dạng thương hiệu bền vững cho DN trong người tiêu dùng. Các cửa hàng đều có cung cách hoạt động, bài trí, tổ chức sự kiện cho người tiêu dùng một cách đồng bộ. Hàng tháng, hàng quý, những dịp đặc biệt, DN mạnh dạn đưa ra các sự kiện khuyến mại lớn, vừa thu hút khách hàng vừa lấy kết quả đánh giá lại ưu thế cạnh tranh từ nội bộ. Ông Hải cho rằng, chỉ có cách bám sâu vào ý thức tiêu dùng như vậy, DN ông mới có thể cạnh tranh để tồn tại trước những “sóng gió” mới đang bắt đầu hình thành sau ngày 1-1-2009.

Chia sẻ kinh nghiệm như BQ, ông Nguyễn Đức Trị, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ, cho biết từ đây đến cuối năm, hệ thống cửa hàng, siêu thị thời trang của Hòa Thọ sẽ được định dạng lại, đề cao khâu quảng bá thương hiệu, đồng thời phải phân lọc được phạm vi nhu cầu tiêu dùng mà sản phẩm của DN đáp ứng. Có như vậy, DN mới có thể ổn định lại mảng thị phần nội địa, hình thành hệ thống phân phối như cùng cam kết với các DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ở góc độ phân phối bán lẻ, ông Phạm Trung Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bài Thơ, cho hay định hướng xây dựng DN đủ sức cạnh tranh qua cánh cửa WTO đã được đơn vị ông tính đến từ lâu. Hơn 2 năm qua, Bài Thơ liên tục mở rộng đầu tư, chuyển đổi cổ phần hóa để tìm thêm nguồn vốn, xây dựng thương hiệu bán lẻ siêu thị Rosa, phấn đấu trở thành hệ thống phân phối hàng siêu thị nội địa quy mô nhất tại địa phương. Mới đây, từ chủ trương “xã hội hóa” của UBND thành phố, Bài Thơ đã mạnh dạn tái đầu tư, cải tạo Trung tâm Siêu thị Đà Nẵng theo tiêu chí trở thành điểm mua bán hàng hấp dẫn, chủ động cạnh tranh khi các nhà bán lẻ bên ngoài đổ vào thị trường Đà Nẵng.

* 3 nhược điểm lớn

Tâm lý nhiều người tiêu dùng địa phương vẫn coi trọng hàng hóa bên ngoài hơn trong nước, nơi khác hơn của địa phương.

Có thể nói, những động thái của các DN phân phối và kinh doanh bán lẻ tại Đà Nẵng như vậy rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng, việc mở cửa thị trường sắp đến vẫn làm nhiều DN kinh doanh bán lẻ trên địa bàn sẽ vấp phải khó khăn, với 3 nhược điểm lớn mà đến nay vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu để cải thiện.

Trước hết, đó là sự thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có mạng lưới phân phối hoàn chỉnh ở DN. Thực tế đến nay, hệ thống bán lẻ tiêu dùng ở Đà Nẵng mới chỉ ghi nhận ở vài đơn vị như chuỗi đại lý của Công ty Mễ Cốc, kênh bán hàng của Công ty Lợi Tú, siêu thị Bài Thơ Rosa, cửa hàng – siêu thị Intime… Còn lại, tâm lý “ở đâu bán đó”, mặt tiền nào cũng thành shop hàng, cửa hiệu vẫn phổ biến, dẫn đến cảnh đầu tư vụn vặt ở các DN. Thậm chí, có cả các cửa hàng “vi phạm” như giả mạo sản phẩm may Việt Tiến tồn tại trên địa bàn. Điều này làm yếu đi quan hệ liên kết giữa các đơn vị kinh doanh, dễ bị các nhà kinh doanh có quy mô thâu tóm.

Chính từ nhược điểm trên, các kênh bán lẻ tại Đà Nẵng hiện rất bị động về nguồn nhân lực. Đây là nhược điểm thứ hai, lại chính là lực lượng quan trọng mà bất kỳ nhà phân phối thương mại nào cũng nghĩ đến, nhưng đã bị các DN địa bàn bỏ sót. Đa số cửa hàng bán lẻ đều đang sử dụng lao động phổ thông, thiếu đào tạo cơ bản về kỹ năng bán hàng, ít tập huấn năng lực cộng đồng, quan hệ khách hàng cho nhân viên. Vì vậy, các DN kinh doanh Đà Nẵng đang lo lắng, chỉ cần vài động thái đánh vào chiêu mộ nguồn nhân lực tại đây, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm ưu thế.

Nhược điểm quan trọng thứ 3, theo ghi nhận từ một số DN, là tâm lý tiêu dùng của người dân địa phương chưa hoàn toàn tích cực “bản địa hóa”. Không ít sản phẩm tiêu dùng chất lượng do địa phương sản xuất bị chính người Đà Nẵng bỏ qua, để chấp nhận sản phẩm từ hai đầu đất nước dù không nắm chắc chất lượng. Tiếp đó, nếu so sánh sản phẩm nội địa với bên ngoài, nhiều người lại sẵn sàng trả chi phí cao hơn mua hàng bán lẻ từ nhà cung cấp nước ngoài hơn là ủng hộ hệ thống phân phối trong nước.

Điều đáng nói là các DN thương mại, bán lẻ của Đà Nẵng đều nhìn thấy những nhược điểm này. Song gần như sự đầu tư thay đổi tình hình lại chưa được các DN thực hiện. Ông Phan Hải nhìn nhận, cảm giác “thiếu người cầm chịch” đến giờ vẫn đang tồn tại ở không ít DN kinh doanh địa phương. Nguy cơ bị động và mất cơ hội của các DN Đà Nẵng vì thế không hề nhỏ, trước sự góp mặt sẽ đến của các nhà phân phối nước ngoài.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.