.

Tiếp tục kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế

.

Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2008 tổ chức chiều ngày 1-11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 10-2008, Chính phủ đã dành toàn bộ thời gian đánh giá, thảo luận về kinh tế 2008 kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế 2 tháng còn lại của năm 2008 và cả năm 2009.

Điểm đáng chú ý là Chính phủ cho rằng lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2007, kinh tế thế giới suy giảm đang tác động trực tiếp vào Việt Nam. Các hoạt động xuất khẩu, đầu tư và du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Thực hiện chính sách tiền tệ tài khóa linh hoạt

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2008 đã có những chuyển biến tích cực. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam trong khi nền kinh tế khu vực và thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Tình hình chính trị xã hội ổn định, sức mua lớn của một nước với hơn 85 triệu dân, lực lượng lao động trẻ, dồi dào, sự cân đối của kinh tế vĩ mô, nguồn lực kinh tế - xã hội tiếp tục tăng cao, thị trường trong nước ổn định... là những điểm thuận lợi mà Việt Nam đang có và được các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn đánh giá cao.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế thế giới thay đổi nhanh, khủng hoảng kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, năm 2009 dự báo kinh tế sẽ còn suy giảm hơn 2008. Sau khi thảo luận, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế 2 tháng còn lại của năm 2008 và năm 2009 báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét thông qua.

Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất từ nay đến hết năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Để hạn chế lạm phát, sẽ có các gói giải pháp như kiểm soát nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng và giảm bội chi ngân sách. Tiếp theo là chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Các giải pháp chính là hạ lãi suất, giảm tỷ giá, giảm thuế có thời hạn, kích cầu sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Để duy trì sự phát triển bền vững, Chính phủ cho biết sẽ phấn đấu giữ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% trong năm 2009, dù tình hình khó khăn, cũng không để tăng trưởng dưới 6%. Đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo mức sống không thấp hơn năm 2008. Bên cạnh đó, vẫn sẽ theo đuổi chính sách giá theo thị trường với các mặt hàng như xăng dầu, điện, than ...

Kinh tế - xã hội đất nước phát triển khả quan.

Chính phủ đang tập trung thực hiện các giải pháp lớn như chính sách tiền tệ tài khóa linh hoạt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh xuất khẩu, điều chỉnh tỷ giá thích hợp, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho nông thôn và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.

Không có ngân hàng thương mại nào mất khả năng thanh toán

Đây là lời khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến trước sự quan tâm của báo giới về vấn đề này. Ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, hiện nay các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hầu hết các ngân hàng thương mại đều có hệ số an toàn vốn lớn hơn mức tối thiểu 8%, khả năng chi trả được đảm bảo, hầu hết các ngân hàng đều có thu lớn hơn chi.

Vì vậy, lòng tin của doanh nghiệp và người dân đối với hoạt động ngân hàng ở mức cao, thể hiện ở mức huy động vốn tiếp tục tăng, ước tháng 10-2008 tăng 2,42%, 10 tháng đầu năm tăng 16,61%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến thông báo, tính đến ngày 30-9-2008, nợ xấu của các ngân hàng là 35.000 tỷ đồng, chiếm 2,92% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đây là mức nợ xấu thấp vì nếu dưới 5% tổng dư nợ của nền kinh tế vẫn được coi là chỉ số an toàn. Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, khoản nợ xấu này sẽ được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro khoảng 22.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm, dự báo đến cuối năm nay, nợ xấu có thể tăng hơn 2,92% nhưng khó có thể vượt qua con số 4%.

Riêng đối với thị trường bất động sản, nơi thu hút nhiều vốn đầu tư cũng như chịu nhiều tác động của sự biến động kinh tế thế giới, tính đến ngày 30-9-2008, tổng dư nợ khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, chiếm 9,15%. Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, thì con số dưới 10% dư nợ vẫn ở trong tầm kiểm soát.

Hiện nay, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định, lãi suất giảm khá lớn, thị trường tiền tệ dư cung vốn khả dụng, huy động vốn và đầu tư tín dụng cho nền kinh tế tiếp tục gia tăng.

Liên quan đến giá xăng dầu trong nước liên tục giảm trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, điều chỉnh mức giá xăng dầu phải theo hai nguyên tắc lớn là nhằm kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính phủ luôn ưu tiên giảm giá để đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Người tiêu dùng có thể thấy, khi giá dầu thế giới tăng, Chính phủ chưa áp dụng ngay biện pháp tăng giá mà lui lại một thời gian, nhưng ngay sau khi giá dầu thế giới giảm, Chính phủ đã thực hiện ngay việc giảm giá xăng dầu. Như vậy, chỉ nhìn về mặt thời gian thực hiện tăng, giảm giá xăng, dầu, người dân thấy rõ là luôn được lợi từ những chính sách và biện pháp trên.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, Vietnamnet

;
.
.
.
.
.