“Cây mai mà hoa đẹp, thế đẹp, nhiều bông, nhiều nụ thì đắt mấy cũng có người mua. Ngoài giá trị về kinh tế, “chơi mai” còn là một nghệ thuật hết sức công phu, độc đáo, đầy tính sáng tạo và nhất thiết phải có sự say mê, tâm huyết với nghề”. Đó là điều mà anh Nguyễn Thành Thiệt, ở tổ 5, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) thường nói với người con trai của mình là Nguyễn Thành Công đang ngày ngày miệt mài học nghề của bố.
Anh Thiệt đang hướng dẫn cách uốn sửa dáng thế đối với cây mai lớn. |
Ngồi xuống bên cạnh một chậu hoa, anh Thiệt vừa chỉ vừa nói với người con trai: Cây mai này bị khuyết một bên, nhìn không cân, không đẹp, ắt là không ai muốn mua. Cho nên, mình phải ghép vào đây một cành. Anh Thiệt nói xong, ngồi xuống làm ngay. Anh chọn một cây mai nhỏ trồng trong chậu, có độ lớn thích hợp đem đến để sát cây mai bị khuyết cành. Anh nhẹ nhàng đưa mũi dao cạo hai mẫu vỏ bằng nhau trên hai cây, ở vị trí cần ghép, rồi áp hai chỗ ấy vào, lấy nilon quấn lại.
Anh giảng giải rằng, hai chỗ bị cạo vỏ ấy, sau khoảng một năm sẽ liền lại với nhau, tức là nhành mai ghép đã được cây mai cần ghép nuôi sống, đến lúc đó chỉ việc cắt đứt phần gốc của cây mai nhỏ. Không những cây mai sau khi ghép sẽ có giá trị hơn nhiều, mà gốc cây mai nhỏ cũng được tiếp tục chăm để nó nứt nhánh khác. Đó là cách ghép áp, còn có hai cách ghép thông dụng khác là ghép nem và ghép mắt. Cách nào cũng phải khéo léo, tỉ mỉ mà quan trọng nhất là bó nilon thật kỹ, không cho nước lọt vào chỗ ghép.
Công năm nay 21 tuổi, đã tốt nghiệp THPT và xác định quyết tâm nối nghiệp bố. Đã ba năm nay, hằng ngày Công ở miết ngoài vườn, vừa phụ giúp bố chăm mai, vừa học nghề từ bố. Bây giờ, cậu cũng đã biết nhiều kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc mai. Công đã khá rành cách tạo ra các kiểu rễ nơm, rễ quỳ và đang học cách tạo dáng thế cho mai. Công nói với chúng tôi:
Theo bố em dạy, mai cảnh có nhiều thế như thế xiên, thế bay, thế thác đổ, nhưng thông dụng là thế trực. Thế trực là thế có ngọn thẳng so với tâm gốc, nhánh từ thân mọc thẳng ra và cành lá các phía cân phân. Cậu học trò này cũng đã am hiểu các phương pháp phòng trừ sâu bệnh cho mai. Công nói: Mai thường bị hại bởi sâu ăn lá, bọ trĩ, rầy trắng, nhện đỏ, nấm lửa, sâu đục thân... Mỗi loại mỗi đặc điểm nguy hại khác nhau và cách phòng trừ cũng khác.
Hiện nay, hai bố con anh Thiệt đang tất bật sửa mai để chuẩn bị bán Tết. Trồng mai cảnh phải qua nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng tỉ mỉ, để cuối cùng “cây cũng phải chiều người”, riêng việc canh cho mai nở đúng Tết vẫn còn là yếu tố may rủi. Thông thường, cứ đến tháng 11 âm lịch là trút lá để “hãm” cho mai ra hoa. Thời tiết mưa lạnh thì trút từ những ngày đầu tháng, còn nắng ấm thì trút vào khoảng giữa tháng.
Tuy nhiên, chưa ai dám khẳng định là cây mai mình “hãm” sẽ nở rộ đúng vào mồng một Tết. Nhưng, như một sự bù trừ, “chơi mai” được cái tiện là nếu mai nở đúng Tết thì “hốt bạc”, còn nhỡ không đúng Tết thì lại để chờ Tết sau, không phải lo sợ chuyện thừa ế như nhiều loại hoa khác. Sau một hồi nghe bố hướng dẫn về kỹ xảo uốn sửa dáng thế đối với một cây mai lớn, Công hồ hởi nói với chúng tôi: “Dù khó thế nào, em cũng cố học cho bằng được cái nghề này!”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM