.

Từ làng lên phố

.

Sau khi tái định cư ở tổ 31 An Trung 2, phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), bà Hồ Thị Thu mua bán ve chai nuôi gia đình.

Từ ruộng vườn, thoắt cái, nông dân vào phố thị. Sau khi họ tái định cư, nhường chỗ cho các công trình, dự án..., mảnh ruộng, miếng đất vẫn vẹn nguyên trong nỗi nhớ của những người đã từng “một nắng, hai sương”.

Trồng rau trong... thùng xốp

Di dời nhà từ 3 năm nay, nhớ ruộng vườn, bà Nguyễn Thị Thẫn, tổ 71 Khu dân cư số 4 phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) tìm mọi cách để trồng bằng được mấy luống rau. Tập trung hết thùng xốp, thau chậu, bà trồng đủ loại rau lên đó. “Từ hồi giải tỏa ra đây, tui nhớ ruộng phàm lắm (dữ lắm - PV)! Nhớ từng gốc củi, gốc cây!”.

Cày cuốc quanh năm đã quen, giờ ngồi không cũng ê ẩm lưng, thấy đất trống ở đâu là đảo qua đảo lại, dòm ngó chút coi có trồng trọt được gì không. Gia đình chuyên trồng hoa của ông Bùi Văn Ca, tổ 6 Phước Mỹ (quận Sơn Trà) từ 8 năm nay cũng đi loanh quanh mấy khoảnh đất dự án còn trống, gieo hạt trồng hoa. Vợ ông Ca cười buồn:

“Tụi tôi chỉ còn trồng được mùa Tết này nữa thôi. Sang năm, nhà đầu tư họ lấy lại đất xây dựng”. Vậy là, gia đình bà cùng nhiều hộ khác lại tiếp tục tìm kiếm các khoảnh đất trống khác. Ông Ca tiếc rẻ: “Hồi trước cứ nghĩ ăn đời ở kiếp với ruộng vườn, nên con cái cho học tới lớp 6, lớp 7 rồi thôi, xúm xít nhau làm vườn. Phải chi hồi đó để tụi nó ăn học tới nơi tới chốn...”.

 

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng - ông Nguyễn Quang Nga: Tập trung quan tâm cho người lao động trên 40 tuổi

Việc dạy nghề hiện nay chưa phù hợp về sở trường, điều kiện tổ chức việc làm ở từng địa bàn, thời gian dạy nghề ngắn.

Do đó, chỉ khoảng 40% nông dân học nghề tìm được việc làm. Ngoài ra, đầu tư của Nhà nước và thành phố cho giải quyết việc làm quá ít, không đáp ứng được nhu cầu vốn cho nông dân.

Tôi nhấn mạnh, đối tượng nông dân mất đất từ 40 tuổi trở lên cần được quan tâm trước hết, bởi họ không thể học nghề, khó đào tạo và ít khả năng tìm được việc làm.

 
Từ năm 2001, để tìm kế sinh nhai cho gia đình sau khi đến tái định cư tại tổ 31 An Trung 2, phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), bà Hồ Thị Thu che mấy tấm bạt nhỏ ở góc xóm, làm nơi tập kết thu mua phế liệu. Cuộc sống của gia đình bà từ đó có phần xáo trộn ít nhiều: “Lúc còn ở chỗ cũ, tui bán hàng nước cũng khá lắm! Lên đây không biết làm nghề chi, mà nước thì họ bán nhiều rồi, nên mới chọn nghề ni”. Cùng nỗi lo như bà Thu, bà Võ Thị Anh, tái định cư tại tổ 57 Hòa Cường Bắc (Hải Châu) nói: “Già rồi bán lẹt xẹt ri đây, được đồng mô hay đồng nấy”.

Nhà cao cửa rộng, làm sao vay tiền

Có ý định chuyển hướng sang buôn bán cho ổn định, nhưng nhà ông Ca vẫn không thể vay tiền từ quỹ Xóa đói giảm nghèo, bởi theo ông: “Tiền giải tỏa hồi trước xây được cái nhà rộng. Chừ nói nghèo làm sao người ta chịu”. Ở nhà cao cửa rộng, nhưng trong bụng cứ đánh trống hoài vì không biết “khi tất cả các vùng dự án được triển khai, lấy đất đâu nữa để trồng hoa”. Ngược lại, có khả năng vay được vốn chính sách, nhưng ngư dân Trần Thị Y, tái định cư tại tổ 61 An Khê 2, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) lại không dám vay: “Vay rồi lấy gì trả”. Bà cho biết: “Từ khi chuyển về đây, không gần sông, những hộ ngư dân rất khó coi nước - gió,  hiệu quả đánh bắt cứ giảm dần”.

Việc chuyển đổi ngành nghề xem ra cũng không được nhiều người dân quan tâm. Ông Ca lắc đầu: “Tụi tôi có nghe đài, báo nói Nhà nước mở chương trình đào tạo công ăn việc làm cho nông dân bị thu hồi đất, nhưng cho tới nay (8 năm - PV) vẫn chưa thấy địa phương nói năng chi hết”.

 

Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) - ông Phan Văn Sơn:
Sẽ sửa những quy định không còn phù hợp

Nhiều nông dân sau tái định cư chưa hứng thú với học nghề, do một vài chính sách hơi cứng nhắc:
Nhiều nông dân sau tái định cư chưa hứng thú với học nghề, do một vài chính sách hơi cứng nhắc: chỉ được hỗ trợ học phí đối với những ngành nghề trong quy định; chỉ được học nghề  ở những cơ sở được chỉ định; không được cấp ngân sách để học nghề dài hạn phù hợp với nhu cầu, sở thích...
 
Hiện chúng tôi đang sửa các quy định trên theo hướng đa dạng hóa ngành nghề (học nghề nào cũng được); học chỗ nào cũng được và chương trình dạy linh hoạt hơn.

 
Vợ ông mong muốn: “Phải chi có cơ sở mô cho người già như tui vô làm, chăm cây, bón vườn gì đó cũng được. Không được thì bấm bụng chịu”. Cũng như những người lao động trên 40 tuổi khác, ông Lương Ly, tổ 61 An Khê 2, phường An Hải Bắc (Sơn Trà) trăn trở không kém: “Có khi bán nhà lên núi ở để có chỗ trồng trọt, chăn nuôi. Chứ buôn bán phải thuê mặt bằng, mỗi tháng biết có kiếm đủ tiền để trả tiền mặt bằng không đã, chưa nói tới có lời”.

Tạo điều kiện cho nông dân canh tác tại các vùng dự án chưa triển khai

Khoảng 1.900 ha đất nông nghiệp (trong đó có 1.100 ha đất ruộng) đã bị thu hồi, trên 10.000 hộ nông dân đã giao đất, 20.000 trên tổng số 80.000 hộ nông dân bị tác động bởi đô thị hóa là những con số mà Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Quang Nga đưa ra.

Ông cho rằng, để đô thị hóa ít tác động tiêu cực đến nông dân, thành phố cần ổn định đất nông nghiệp trong 10 năm và phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm. Bên cạnh đó, đối với chương trình nông thôn - nông nghiệp - nông dân, cần thực hiện mức đầu tư 5% trên tổng chi ngân sách thành phố hằng năm. Đồng thời, các vấn đề về tăng vốn hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện cho nông dân canh tác trên các vùng dự án chưa triển khai... phải được chú trọng.            

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.