.

Vốn cho người nghèo

.

“Tính toán giỏi, chịu khó đến mấy, không có vốn đầu tư cũng bó tay. Các hộ làm ăn lớn cũng cần vốn phát triển sản xuất, huống hồ là hộ nghèo. Không có vốn vay ưu đãi, hộ nghèo khó vươn lên thoát nghèo”, nhiều hộ nghèo ở Hòa Vang đã nói như vậy.

Nhờ vốn vay từ kênh xóa nghèo mà một số hộ ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn có tiền đầu tư cho việc ươm tạo cây cảnh.

Gia đình ông Chu Văn Phong ở thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương (Hòa Vang) đã thoát cảnh nghèo và nay là một trong những hộ có mức sống khá giả của khu vực. Nói về sự đổi thay vượt bậc này, ông Phong cho hay: Không có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chắc bây giờ vẫn phải chạy ăn từng bữa. Hai năm trước, ngân hàng cho vay 20 triệu đồng, ông mua đàn dê hơn hai chục con, trồng 9 ha rừng và 4 sào môn tàu. Đến nay, đàn dê đã tăng lên 47 con. Mấy vụ vừa qua môn cho năng suất khá cao.

Ông đúc kết: Giỏi tính toán và chịu khó đến mấy, không vốn đầu tư cũng bó tay. Có vốn không chỉ giúp nông dân mở ra hướng làm ăn hiệu quả mà ai nấy nỗ lực sản xuất hơn. Ở xã Hòa Khương, nhiều hộ nhờ vốn vay xóa nghèo mà vươn lên có đời sống khá giả. Phải nói rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội là “bà đỡ” cho hộ nghèo.  

Ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, vốn vay từ kênh xóa nghèo có ý nghĩa rất lớn đến sản xuất và đời sống của bà con Cơtu. Hộ nào cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay từ 10 đến 30 triệu đồng để mua bò, trồng rừng... Gia đình bà Nguyễn Thị Vân là một ví dụ. Năm 2003, bà vay 7 triệu đồng mua 2 con bò. Năm 2006, bò đẻ thêm 2 con và bà cũng trả hết nợ. Năm 2007, bà vay tiếp 10 triệu đồng đầu tư trồng rừng và mua thêm bò. Nhờ vậy mà đời sống cải thiện đáng kể.
 
Hoặc như gia đình anh Lê Văn Hoàng vay 30 triệu đồng phát triển kinh tế rừng. Nay nợ chưa đến kỳ trả, nhưng gần chục ha keo lai sẽ cho nguồn thu gấp nhiều lần vốn vay khi thu hoạch. Hộ ông Nguyễn Văn Lá, có đàn bò gần chục con nhờ nguồn vốn vay gầy dựng nên. Ông Lá tâm sự: Không có vốn chỉ biết vào rừng đốn củi. Ngân hàng cho vay mới có bò để nuôi và trồng rừng. Ở thôn này nhà ai cũng có bò từ vốn xóa nghèo. 

Với các thành phần kinh tế, vốn luôn có ý nghĩa quan trọng đến hiệu quả đầu tư cho sản xuất. Đối với hộ nghèo, vốn càng vô cùng cần thiết. Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang cho biết: Hiện nay, chính sách cho hộ nghèo vay đã thông thoáng hơn. Trước đây, mỗi hộ chỉ được vay tối đa 7 triệu đồng, nay là 30 triệu đồng. Trên địa bàn huyện Hòa Vang đã hình thành 367 tổ vay vốn.

Có vốn vay ưu đãi, nhiều hộ ở miền núi phát triển kinh tế bằng việc nuôi cá nước ngọt.
Năm 2008, ngân hàng giải ngân cho 1.459 lượt hộ nghèo vay 11,5 tỷ đồng, đến tháng 11 này tổng dư nợ 47,6 tỷ đồng. Ông cũng cho biết thêm: cán bộ tín dụng cùng chính quyền, hội đoàn thể địa phương thẩm định phương án vay vốn của từng hộ, từ đó quyết định mức và thời hạn vay. Các thủ tục vay vốn đơn giản. Hằng tháng, ngân hàng về từng địa phương giải ngân cho vay và thu nợ.

Cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy nhanh sự nghiệp xóa nghèo. Tuy vậy, hiện tại không ít hộ nghèo chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi này. Nhiều hộ thường có hoàn cảnh khá đặc biệt như neo đơn, già cả, đông con, ốm đau, hoạn nạn… nên ít có cơ hội để đầu tư cho sản xuất. Không có lao động, họ không có phương án sản xuất để vay vốn. Hoặc nếu có vay cũng không biết sử dụng vào việc gì. Từ đó, không ít hộ không dám vay vốn. Và như vậy, cái nghèo cứ bám riết. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại hộ quá nghèo vay vốn ít có điều kiện trả nợ của cán bộ tín dụng chưa được loại bỏ, dẫn đến cơ  hội tiếp cận với vốn vay của hộ đặc biệt khó khăn không nhiều. 
   
Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.