Lam lũ, tảo tần từ cuộc mưu sinh nông nghiệp lúa nước, bao đời nay cha ông ta luôn tự răn mình và dạy bảo con cháu hãy “liệu cơm gắp mắm”, chắt chiu xây dựng cơ đồ như “kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Giờ đây, khi cánh cửa cơ chế thị trường mở ra và đời sống ngày một được cải thiện, mọi người bỗng dưng đua nhau “đánh bóng” bản thân mình - một cuộc đua không có người thắng cuộc.
Hàng hiệu mới... sành điệu (!)
Người tiêu dùng có thể sẽ đẩy kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động của VN lên đến 1,2-1,3 tỷ USD trong năm 2008. |
Xem xong phim, tất cả reo vui, tán thưởng đến khản giọng. Nhưng có ít nhất một người lặng lẽ ra về, lòng không được vui. Và cái sự không được vui của riêng người này đã làm buồn lòng ít nhất một người khác.
Khi cậu con trai “quý tử” của mình vào lớp 10, chị H. chạy vạy sắm cho nó một chiếc xe đạp điện, thêm một “con dế” để nó có thể liên lạc “mọi lúc mọi nơi” với gia đình. 3 đứa con, chồng là công chức Nhà nước, chị bán tạp hóa, thu nhập chỉ vừa tạm đủ qua ngày. Hôm đó, thấy cậu con trai về nhà “bỗng dưng muốn khóc”, chị gặng hỏi và tá hỏa khi biết ra rằng, nó muốn có một “dế” mới, “xịn” hơn, sành điệu hơn. Cụ thể, là cái Nokia 65... “như của thằng T.”, có nhạc chuông đa âm, chụp ảnh, quay phim, màn hình 16 triệu màu... Chị nhờ cậu em đi hỏi, và khi biết “dế xịn” này giá 5,5 triệu đồng, thì chị chưa thể chiều ý con được.
Mấy năm trở lại đây, nền kinh tế của Việt Nam đã bước thêm những nấc thang khả quan, kéo theo đời sống người dân ngày một sung túc hơn. Mới có chút của ăn của để, mọi người đã nghĩ đến chuyện xài sang. Người có “máu mặt” thì “dư sức qua cầu”, người thu nhập không cao, thậm chí người lo chạy ăn từng bữa cũng đâm đầu vào cuộc đua cho ra vẻ “danh giá” này. Trong đó, đáng lo nhất là những người mới lớn như con trai chị H. nói trên. Một cuộc sống lấy thước đo ở sự giàu có hào nhoáng đã làm cho người lớn xa dần những giá trị đạo đức truyền thống và trẻ con thì gần lại với thói đua đòi, ích kỷ.
Trong cuộc cạnh tranh thời thị trường, không ít người đã tạo nên sự giàu có giả tạo như một “vũ khí” lợi hại để “tiếp thị” bản thân mình. Tùy vị trí của mình trong xã hội, họ xoay xở chỗ này, vay mượn chỗ kia để có một vỏ bọc với toàn hàng hiệu, từ nhà cửa, xe cộ cho đến các thiết bị cầm tay. Ông N., giám đốc một doanh nghiệp ở Đà Nẵng liên doanh với một hãng vật liệu xây dựng TP.Hồ Chí Minh thú thực: “Người ta đi tìm đối tác mà thấy mình lùi xùi không ra gì thì làm sao họ tin tưởng được. Dùng càng nhiều hàng hiệu thì càng chứng tỏ mình sành điệu, nhưng cái chính là mình được các đối tác tin cậy nhiều hơn”.
Văn hóa tiêu dùng
Xài hàng ngoại, hàng hiệu mới… sành điệu! |
Gần đây, trước các kiểu “vung tiền qua cửa sổ” của một số đại gia, khái niệm “văn hóa tiêu dùng” được nhắc đến như một cảnh báo về nguy cơ “suy đồi đạo đức tiêu dùng”. Khi mà làn sóng dư luận còn chưa hết xôn xao chuyện các đại gia đua nhau tậu những chiếc ô-tô cỡ 1 triệu USD trở lên thì đùng một cái, một đại gia khác gây nên cơn “địa chấn” bằng chiếc máy bay sắm riêng cho mình với giá 7 triệu USD! Trong khi đến hết năm nay, theo Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 13% (tương đương 2,4 triệu hộ, giảm gần 2% so với năm 2007) thì một số người nhiều tiền lắm của đã vô tư “vung tay quá trán”.
Những cái “vung tay” mà ngay cả nguyên thủ quốc gia của một số nước giàu có thực sự cũng không dám nghĩ tới này đã vô hình trung đưa “phong trào” xài hàng xa xỉ, đặc biệt là hàng ngoại, lan từ những người rất giàu có sang tầng lớp trung lưu, người ta đã bắt đầu tiêu nhiều hơn cái mình có. Đua đòi, khoa trương đồng nghĩa với lãng phí và là một trong những “thủ phạm” gây nên nhập siêu. Theo ước tính của Bộ Công thương, trong năm 2008, kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm của Việt Nam có thể lên tới cả trăm triệu USD, và giật mình hơn, con số này ở mặt hàng điện thoại di động là 1,2 - 1,3 tỷ USD!
Tâm lý chung của những người chuyên xài hàng hiệu là chỉ “lên”, chứ không “xuống”, vì điều này khẳng định “đẳng cấp” của mình. Chủ shop mỹ phẩm Nguyệt trên đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng cho biết, phụ nữ một khi đã sử dụng mỹ phẩm đắt tiền, hợp với loại da thì chỉ xài hàng cao cấp hơn chứ quyết không chấp nhận quay về những sản phẩm có chất lượng tương đương với giá rẻ hơn.
Điều này lý giải vì sao hàng hóa ở đây khoảng 80% là ngoại nhập, 20% còn lại là hàng của các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc như LG, Sishedo có nhà máy tại Việt Nam (VN) hoặc liên doanh với một công ty mỹ phẩm trong nước. Và, cho dù kinh tế VN trổi dậy với khẩu hiệu “Người VN dùng hàng VN” thì trong trường hợp hàng xa xỉ, người tiêu dùng đã quay lưng với hàng trong nước và giá trị nhập siêu cứ vẫn nhích dần theo chiều dương trên biểu đồ của ngành Công thương.
Theo phân tích của một nhà kinh tế, việc “thắt lưng buộc bụng” không phải bao giờ cũng tốt. Vì sao kinh tế TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh? Một trong những nguyên do chính là ở cách người ta tiêu tiền. Làm ra 10 đồng, họ tiêu có khi đến 9,5 đồng, tất cả mọi thành phần trong xã hội đều được “chia phần” từ khoản tiền này. Với họ, đồng tiền bao giờ cũng “sống”, cũng được quay vòng trong một guồng máy xã hội và kích thích kinh tế tăng trưởng, điều mà các địa phương “ăn chắc mặc bền” khó có thể với tới.
“Thắt lưng buộc bụng” tốt với việc chống lạm phát, nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây ra nguy cơ giảm phát như hiện nay. Vấn đề là đừng “vung tay quá trán”, không “xả láng sáng về sớm”, cũng không ki bo, bủn xỉn, nghĩa là biết cách tiêu tiền sao cho có văn hóa - nhà phân tích kinh tế này kết luận.
VĂN THÀNH LÊ