.
XỬ LÝ NƯỚC THẢI TẠI KCN HÒA KHÁNH

Những bất cập cần sớm khắc phục

.

Báo chí đã tốn không ít giấy mực đề cập đến những bất cập trong khâu xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (KCNHK) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục hộ dân thuộc các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc. Thế nhưng đến thời điểm này, tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn khi mùa mưa đến.

Khốn khổ vì nước thải

Người dân bức xúc vì DN tại KCN Hòa Khánh xả trực tiếp nước thải ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Đã không ít lần, hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản ven sông Cu Đê, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) khiếu nại đến các ngành chức năng về thực trạng nguồn nước thải tại KCNHK đổ ra, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng thủy sản của người dân. Sau mỗi lần như vậy, cơ quan chức năng của thành phố đều thành lập đoàn kiểm tra và trấn an người dân bằng những lời hứa sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng trên trong thời gian tới. Nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết, những hộ dân ở đây luôn phải lo lắng bởi mối đe dọa về ô nhiễm môi trường mỗi khi nguồn nước trong KCNHK thải ra.

Theo những hộ dân nuôi trồng thủy sản ở đây, từ khi có KCNHK, nguồn nước sông Cu Đê ngày càng trở nên đục và bẩn. Lúc trước, mỗi khi bơm nước từ sông vào hồ thì thấy tôm rất khỏe mạnh, còn bây giờ… vừa bơm vừa lo! Nhiều hộ đã không dám nuôi vì nguy cơ rủi ro, thua lỗ là rất lớn. Một cán bộ của phường Hòa Hiệp Nam cho hay: Ô nhiễm môi trường tại sông Cu Đê không những gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, mà nó còn ảnh hưởng đến không ít hộ dân do sử dụng nước giếng khoan. Nhiều người dân sử dụng nguồn nước này bị ngứa và bệnh đường ruột.

Quy hoạch thiếu đồng bộ

Được biết, thành phố đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng xây dựng Trạm xử lý nước thải tại KCNHK, thế nhưng khi trạm này đưa vào vận hành lại không phát huy đúng năng lực. Theo thiết kế, công suất xử lý tối đa của trạm là 5.000m3 nước thải/ngày đêm, nhưng hiện tại trạm chỉ đáp ứng được lượng nước thải gần một nửa công suất tối đa từ các DN đã tham gia đấu nối đến trạm xử lý. Còn các DN chưa đấu nối vẫn vô tư thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến hậu quả là nguồn nước sông Cu Đê đục ngầu và đã không ít lần thủy sinh chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, giếng của nhiều hộ dân phường Hòa Hiệp Bắc nhiễm
bẩn, hàng chục hécta đất của nông dân ở khu vực này bỏ hoang, không canh tác được.

Qua kiểm tra hệ thống thoát nước tại trước cổng KCN Hòa Khánh, ông Mai Mã, Phó Giám đốc Công ty Quản lý - sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng thắc mắc: Không biết hệ thống xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh có bị thay đổi hay không, bởi theo thiết kế, toàn bộ nước thải của DN trong KCN sẽ được đấu nối với trạm xử lý, sau khi xử lý sẽ thải ra bên ngoài theo hướng sông Cu Đê. Thế nhưng thời gian gần đây, nước thải tại KCN một phần lại được thải thẳng ra hệ thống cống thoát nước trước cổng KCN, nên mỗi khi trời mưa khu vực này trở nên ngập nặng hơn.

Tại buổi làm việc của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố với Sở Tài nguyên và Môi trường vừa qua, khi đề cập đến vấn đề xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở các DN tại KCN trên địa bàn, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở đã có kiến nghị thành phố nên thành lập một DN chuyên về xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các DN tại các KCN để bảo đảm về mặt môi trường. Làm được như vậy, DN sẽ không trốn tránh hoặc làm ẩu trong xử lý nước thải.

Đối với Trạm xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh, cả cơ quan chức năng liên quan và DN hoạt động tại KCNHK đều cho rằng: Từ khâu thiết kế lẫn quy hoạch cho việc đầu tư Trạm xử lý nước thải tại KCN này đều bất cập, dẫn đến gây lãng phí và kém hiệu quả khi công trình đưa vào vận hành. Đáng lẽ ra công trình này phải nằm ở vị trí trung tâm để tiện về khoảng cách cho DN thì nó lại nằm ở vị trí vành đai của KCN.

Bên cạnh đó, khi xây dựng công trình, bên thiết kế lẫn thi công đã không tính đến việc bố trí các đường ống đi qua đường để các DN đấu nối khi cần thiết. Vì thế, khi hệ thống đường, điện trong KCN đã hoàn thành thì không thể đào đường lên để lắp đường ống đấu nối mỗi khi DN yêu cầu. Hiện tại, Trạm xử lý chỉ nhận được nước thải của vài chục DN để xử lý bởi do công suất xử lý chưa thể phát huy hết. Những bất cập của hệ thống xử lý nước thải tại KCNHK đã tồn tại và kéo dài trong nhiều năm nay. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục dứt điểm, có lẽ người dân ở hạ nguồn vẫn phải gánh chịu hậu quả. 

 Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

;
.
.
.
.
.