.

Băn khoăn rau, quả ngoại

.

Biết rau nào là rau quê, rau nào của Trung Quốc? Ảnh: XUÂN DUYÊN

Sự thiếu hụt rau xanh trong nước thời gian qua đã được các nhà buôn bù đắp bằng một lượng lớn hàng rau, củ, quả nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng của chúng đang là nỗi băn khoăn lớn đối với người tiêu dùng.

Khi chúng tôi nói về nguồn gốc của nhiều loại rau xanh, một số người dân tỏ ra khá ngạc nhiên:  “Mình mà cũng có rau Trung Quốc hả?”.  Vậy là rau xanh nhập từ Trung Quốc đã hiện diện trong bữa cơm của các gia đình mà nhiều người vẫn chẳng hay.

Để nắm rõ thông tin về các loại rau của Trung Quốc, cũng như số lượng đổ về thị trường Đà Nẵng, chúng tôi đã tìm đến chợ Đầu mối Hòa Cường, nơi cung cấp rau sỉ cho các chợ trên địa bàn thành phố. Chị Hải Vân, một người chuyên lấy hàng từ chợ Đầu mối về bán lẻ tại chợ Hòa Khánh cho biết: “Từ sau mấy đợt ngập lụt, rau trong nước bị hư sạch, làm chi còn mà mua. Nhưng mấy bữa ni rau không thiếu, giá vẫn hơi cao so với hồi trước. Rau ở mô mà về nhiều hả, toàn đồ Trung Quốc chứ mô nữa”.

Theo lời chị Vân, chúng tôi dò hỏi một số nhà xe đường dài mới hay, hiện nay phần lớn các loại rau, củ, quả ở các chợ đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đâu là rau Trung Quốc, đâu là rau Việt Nam thì không phải người dân nào cũng phân biệt được, ngoại trừ một số loại trái cây. Nhìn những quả cà chua chín đỏ, căng mọng trông thật ngon mắt, nhưng khi các bà nội trợ cắt ra chế biến thì nhiều quả bên trong ruột còn xanh lè. Chính người bán hàng cũng khuyên người thân: “Thôi đừng ăn mấy thứ nớ, có hại ghê lắm”. Thế nhưng đến nay, chúng có hại như thế nào thì cơ quan chức năng vẫn chưa công bố.

Mỗi ngày có hàng chục xe rau phía Bắc về chợ Đầu Mối cung ứng cho toàn thành phố và các địa phương lân cận. Ảnh: XUÂN DUYÊN


Kinh nghiệm của người chuyên bán hàng cho biết, rau, quả tươi từ Trung Quốc đều có hóa chất bảo quản. Một chuyến hàng từ Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới về tới Đà Nẵng mất 3-5 ngày, có khi gặp trục trặc hơn một tuần. Muốn hàng tươi lâu và không bị thối nát, người ta tiêm hoặc nhúng cho chúng một loại thuốc mà đến nay người dân trong nước vẫn mù tịt. Việc ủ và nhuộm thuốc này do người chuyên làm hàng đảm nhiệm.

Tên thuốc bảo quản, liều dùng cho phép và hàm lượng công bố trên sản phẩm tuyệt nhiên không có. Các loại củ như cà rốt, khoai tây, nhận biết bằng mắt thường thông qua bề mặt vỏ, hay dựa vào đất bám dính hoặc hình dáng trông nhỏ hơn thì đó là hàng trong nước. Riêng với các loại rau tươi, gần như người tiêu dùng sẽ rất khó để nhận dạng. Bà Hải, 57 tuổi, một người bán rau lẻ tại chợ Đầu mối đưa ra nhận xét: “Với cải răng cưa, xà lách răng cưa, cải thảo... người mô không rành thì chịu chết”. 
 
Bà còn chỉ cho chúng tôi kinh nghiệm: “Khi mô lấy đồ về bán không hết thì bọc kín bằng bao nilông cất vô thùng lạnh vì loại rau, củ của Trung Quốc sẽ chỉ dùng được vài ngày, nếu để lâu hơn sẽ bị mục rữa liền”.

Được biết, hiện có khoảng 15 doanh nghiệp trong nước nhập rau quả của Trung Quốc theo đường chính ngạch với 5 - 7 tấn mỗi ngày, số các nhà buôn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ lấy hàng qua  đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát.
 Theo thống kê của Trạm Kiểm dịch Thực vật cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, từ tháng 9 đến đầu tháng 11-2008 đã có gần 15.000 tấn khoai tây thương phẩm nhập về Việt Nam, trong nửa tháng 12 này số khoai tây Trung Quốc được nhập thêm là 3.500 tấn. Không chỉ khoai tây, hàng loạt các mặt hàng khác cũng ồ ạt về các cửa khẩu như bí ngô hơn 700 tấn, bắp cải 1.300 tấn, súp lơ 140 tấn, khoai môn sọ hơn 200 tấn, cà chua 80 tấn, đậu xanh 45 tấn...

Ông Huỳnh Viết Thành, Trưởng Ban Quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết thêm, trung bình một ngày có khoảng 150 tấn rau, củ về chợ. Như trong sáng ngày 15-12, lượng hàng phía Nam ra 85 tấn, phía Bắc vào 60 tấn nhưng chiếm tới 70% là của Trung Quốc.  Những năm trước, lượng rau trong nước đáp ứng tương đối đủ, nhưng trong hai tháng gần đây phải dựa vào “rau ngoại” mới đủ.

Giải pháp nhập rau, củ Trung Quốc về nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau xanh của người dân và giảm bớt sức ép về giá cả. Tuy nhiên, chúng không hề rẻ hơn mà còn đánh lừa người tiêu dùng qua cái mác rau Đà Lạt, Gia Lai, Hà Nội và rau quê. Không biết đến bao giờ người dân được ăn rau có kiểm dịch chất lượng?
  
DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.