Ngay từ đầu năm 2008, Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã xác định: để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2008, ngoài việc nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống, phải phát triển các dịch vụ mới, làm tốt công tác tiếp thị, chăm sóc khách hàng. Vì vậy, từ tháng 4-2008, Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã thành lập tổ tiếp thị thuộc Phòng Kinh doanh tổng hợp tại các đơn vị trực thuộc. Từ đây, một làn gió mới đã thổi vào các hoạt động kinh doanh của Bưu điện.
Bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ảnh: MAI HỒNG |
Về vận chuyển thư báo, Bưu điện Đà Nẵng đã chuyển trung tâm từ khu vực Hòa Cầm (Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) vào trung tâm thành phố nên đã phát huy hiệu quả khai thác dịch vụ. Ông Đặng Đình Cơ, Giám đốc Bưu điện thành phố Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi chia tách, Bưu điện Đà Nẵng đã ổn định bộ máy hoạt động chỉ trong 1 tuần.
Sớm ổn định cơ cấu tổ chức, triển khai nhanh việc kinh doanh. Những bưu cục có doanh thu dưới 10 triệu đồng/tháng chuyển thành đại lý. Bưu điện Đà Nẵng tiếp nhận quản lý khai thác Trung tâm Bưu chính Liên tỉnh và Quốc tế khu vực 3 (VPS3) từ Tập đoàn VNPT, và giao cho VPS3 thêm nhiệm vụ khai thác tuyến bưu chính nội thành.
Trên cơ sở đó, Bưu điện Đà Nẵng rút gọn đường thư nhưng vẫn bảo đảm thời gian chuyển thư nhanh nhất, chất lượng dịch vụ tốt, như cắt giảm 8 chuyến xe thư mỗi ngày, tổ chức lại khai thác chia chọn để rút ngắn thời gian chuyển phát cho từng loại bưu gửi, giờ thu gom thư buổi tối tại các bưu cục trễ hơn, nhằm thu gom triệt để bưu phẩm gửi phát sinh trong ngày và bảo đảm thời gian nhanh nhất cho đường thư.
Chia tách trong thời gian thị trường bưu chính đang có những cạnh tranh rõ nét, Bưu điện Đà Nẵng thay đổi hình thức kinh doanh tại điểm dịch vụ sang đẩy mạnh bán hàng trực tiếp, tiếp nhận và giải đáp cho khách hàng được đổi mới theo cách giảm bớt khâu trung gian...
Để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên bưu chính, Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn các dịch vụ: Chuyển tiền Western; thu hộ trên hệ thống ứng dụng Paypost; Quản trị thông tin về dịch vụ tài chính bưu chính trên chương trình phần mềm CFM, phần mềm EMS. Ba dịch vụ trên (trừ phần mềm EMS) là các dịch vụ mới nhằm hiện đại hóa trong khai thác và quản lý bưu chính sẽ được triển khai trên toàn mạng lưới của Tổng Công ty Bưu chính từ đầu năm 2009. Bưu điện Đà Nẵng cài đặt phần mềm ứng dụng của các dịch vụ này trên toàn bộ máy tính nối mạng tại các bưu cục, góp phần tăng cường chất lượng các dịch vụ bưu chính.
Đối với đại lý bưu điện thời gian gần đây hoạt động cầm chừng, ông Đặng Đình Cơ, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng cho rằng: Đại lý bưu điện là một kênh bán hàng quan trọng và đắc lực của bưu chính và viễn thông. Vì vậy, Bưu điện Đà Nẵng luôn hỗ trợ tối đa nhằm bảo đảm cho các đại lý ổn định thu nhập và sống được bằng nghề bưu điện. Bên cạnh đó, Bưu điện Đà Nẵng khuyến khích các đại lý có đủ tiềm lực tham gia phát triển hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bưu chính nhằm nâng cao thu nhập.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG