Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 3 Văn phòng đại diện khu vực miền Trung và khoảng 50 chi nhánh cấp 1 của các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm 4 ngân hàng liên doanh, 32 ngân hàng TMCP, 9 ngân hàng thương mại Nhà nước, 1 công ty tài chính, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Phát triển, 2 công ty cho thuê tài chính với gần 150 địa điểm, phòng giao dịch. Đây là một con số khá ấn tượng, nếu như so sánh với năm 2000 thì số lượng các TCTD trên địa bàn đã phát triển khá nhanh, gần như gấp đôi.
Ngày càng nhiều ngân hàng khai trương hoạt động ở Đà Nẵng. |
Đem vấn đề Đà Nẵng ít hay nhiều ngân hàng trao đổi với một chuyên gia từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính tín dụng thì được biết: Là thành phố động lực và là trung tâm tài chính của khu vực miền Trung, nhưng số lượng các TCTD ở Đà Nẵng vẫn còn thấp hơn so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu nhìn ra các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới, thì số lượng các chi nhánh ngân hàng ở một số nơi lại ít hơn ở Đà Nẵng. Song, quy mô hoạt động và tiềm lực tài chính của các chi nhánh ngân hàng trên lại lớn hơn rất nhiều lần so với các ngân hàng ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Đây cũng là vấn đề chính để chúng ta cần nhìn lại số lượng và chất lượng của các ngân hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế thì trong thị trường tài chính không nên đặt ra chuyện cấm đoán thành lập các TCTD, nhưng cần phải xem xét kỹ các điều kiện thành lập ngân hàng để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Đặc biệt là hiện nay các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian qua cũng đã quay sang đầu tư vào lĩnh vực này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng các ngân hàng ở Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng tiềm lực và quy mô hoạt động thì lại hạn chế.
Các dịch vụ ngân hàng sẽ tốt hơn khi có sự cạnh tranh. |
Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều ngân hàng đã dẫn đến hiện tượng khan hiếm nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tình trạng giằng co, cạnh tranh nhân lực giữa các ngân hàng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, điều thật sự đáng quan tâm là làm sao nâng cao được chất lượng của các ngân hàng, chứ không phải chỉ là số lượng. Quan trọng là các ngân hàng có đủ năng lực để giải quyết được các nhu cầu của doanh nghiệp hay không, nhất là hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển cả về quy mô và phạm vi hoạt động của mình. Điều đó đồng nghĩa với các món vay của họ không chỉ là một vài trăm triệu, hay một vài tỷ nữa mà có thể là cả trăm tỷ.
Chính vì vậy, không ít các ý kiến cho rằng, cần phải sáp nhập các ngân hàng lại với nhau để bảo đảm các ngân hàng hoạt động vững chắc hơn. Song hiện tại lại chưa có lộ trình cũng như quy định rõ ràng về vấn đề này.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN