.

“Cẩm nang” cho doanh nhân

.

Tặng gì cho doanh nhân vào Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10? - Câu hỏi đặt ra từ một buổi trà dư tửu hậu. Sau một hồi “thu thập” các ý kiến, mọi người đều thống nhất: Tặng sách kinh tế - tài chính là ý nghĩa nhất. Nhưng có người lưu ý rằng, sách kinh tế không dễ “nuốt”, cũng phải có một kiến thức nhất định mới có thể “gối đầu giường”.

Sách “hot” cho thương trường

Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động đến mức tiêu thụ lượng sách kinh tế-tài chính.

Tháng 8 năm ngoái, khi “cha đẻ tiếp thị thế giới” Philip Kotler đến Việt Nam giao lưu cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong nước, “nhà sách trên mạng” Vinabook.com cùng NXB Trẻ đã phối hợp tổ chức Tuần lễ triển lãm sách kinh tế, hướng nghiệp trực tuyến. Lần đầu tiên, một hội sách tầm cỡ được tổ chức với hàng chục nghìn lượt khách “đi chợ trên mạng” mỗi ngày đã phản ảnh ít nhiều thực trạng “đói” sách kinh tế của giới doanh nhân trong nước.

Thường thì các hội sách sẽ đi qua và lẫn vào trong đám đông những hội sách trước đó. Nhưng với Tuần lễ triển lãm sách kinh tế nói trên, chuyện có khác, khi từ hơn 800 tựa sách với khoảng 7.000 đầu sách được xếp theo các cụm chủ đề: quản trị, kế toán, tài chính, chứng khoán, marketing, hướng nghiệp… giới phân tích kinh tế đã chọn ra 3 cuốn sách “hot” nhất và khuyên doanh nhân nên “gối đầu giường”.

“Kotler bàn về tiếp thị” được xếp hàng đầu, không phải vì sách được phát hành nhân dịp tác giả lần đầu đến Việt Nam, mà nó trình bày một cách súc tích và dễ hiểu những lĩnh vực nóng bỏng của nền kinh tế thời toàn cầu hóa như tiếp thị cơ sở dữ liệu, tiếp thị quan hệ, tiếp thị công nghệ cao, tiếp thị trên Internet... Xếp thứ hai là một trong những cuốn sách dành cho giới kinh doanh được nói đến nhiều nhất, “Từ tốt đến vĩ đại”, được tờ USA Today đánh giá là “một quyển sách mà các tổng giám đốc phải mua ngay”. Cuối cùng là quyển sách viết về bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán, “Làm giàu từ những… thói quen”, của hai trong bốn nhà đầu tư giàu nhất thế giới, Warren E.Buffett và George Soros.

Thị trường sách kinh tế đã “nóng” lên sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các trường đại học chỉ chủ yếu dạy các mẫu bài toán, các mẫu giải pháp, nhưng khi ra đời thì muôn hình vạn trạng, không theo một quy chuẩn cụ thể. Vì lẽ đó, sách kinh tế - tài chính đã trở thành “kim chỉ nam” cho doanh nhân lèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình.

“Nhiệt kế” của nền kinh tế

 
Dược sĩ PHẠM THỊ MINH TRANG: Đọc sách kinh tế cần có kiến thức

Đọc sách, nhất là sách kinh tế, nếu không có kiến thức cơ bản cũng sẽ như đi trong sương mù.

Theo tôi, toán và kiến thức về xác suất thống kê là hai “công cụ” giúp ta thấu hiểu và đam mê loại sách được cho là rất khô khan này.

 
Ngoài những sách được lùng mua, nhờ vào sự “đánh bóng” của các NXB nói trên, nhìn chung, sách kinh tế tiêu thụ rất chậm. Ông Hoàng Ngọc Lộc, Phó Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng so sánh: “Việc tiêu thụ sách kinh tế không bằng văn học, nó chỉ nhỉnh hơn một chút so với sách tham khảo về chính trị, luật, còn lại là thua xa với sách về các lĩnh vực khác. Gần đây, lượng sách kinh tế bán ra có tăng nhưng không nhiều lắm, do tình hình suy thoái kinh tế. Trước thì người ta mua nhiều các sách cẩm nang về quản lý kinh tế, nay thực sự cần người ta mới mua”.

Hiện nay, ở công ty ông Lộc, sách kinh tế, dù tự sản xuất hay trao đổi với các NXB trên thị trường, cũng gồm hai mảng chính: Giáo trình và chuyên khảo. Nếu sách giáo trình có khách hàng chính là sinh viên thì sách chuyên khảo, tham khảo hầu hết là dành cho người đã đi làm, các nhà nghiên cứu và cho hệ thống thư viện trên toàn quốc. Công ty khai thác những bản thảo gắn với giáo trình phục vụ chuyên ngành cho các trường đại học nên sức sống của chúng (gọi là chu kỳ sống) dài hơn sách tham khảo bình thường, số lượng cũng rất khả quan. Tuy nhiên, doanh thu sách kinh tế nói chung không nhiều, chỉ khoảng 10% tổng doanh thu, trong đó sách kinh tế bán lẻ chỉ chiếm khoảng 5%.

Có ít người đọc sách kinh tế, một phần còn do người ta bảo khô khan, nhức đầu, dễ buồn ngủ. Nhưng nếu biết khám phá ở đó cái mà ta cần, rất cần, thì sự việc sẽ khác. Dược sĩ Phạm Thị Minh Trang, Tổng Giám đốc Công ty CP Y tế DANAMECO chia sẻ: “Tôi thì đam mê đọc sách kinh tế có khi đến 2-3 giờ sáng. Không ngủ được, phải mở máy tính ra, kiểm tra lại xem thử họ tính trong sách như vậy có đúng không. Thực nghiệm các kiến thức thu lượm được trong sách vào điều kiện cụ thể của mình xem thử có phù hợp không, cho đến bây giờ, tôi thấy tất cả đều ứng dụng tốt”.

Hiện nay, Vinabook.com đã đưa ra danh sách 20 cuốn sách kinh tế bán chạy nhất, trong đó đứng đầu là “Mô thức mới cho thị trường tài thính - Cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và ý nghĩa của nó”. Một quyển sách rất “hot”, khi mà những biến động khủng hoảng toàn cầu đã làm điêu đứng các nền kinh tế. Ai đó nói rằng sách kinh tế là “nhiệt kế” của nền kinh tế thì trong trường hợp này, điều đó đúng.

 
“Tư bản” của Karl Marx bán chạy giữa cơn bão tài chính

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bắt đầu lao đao vì khủng hoảng tài chính, một bộ phận người Đức coi tác phẩm của Karl Marx là cẩm nang giúp họ tìm ra lời giải cho nhiều vấn đề. Từ đầu năm đến nay, NXB Karl-Dietz Verlag đã bán hết 1.500 cuốn “Tư bản”; riêng trong tháng 9 là 200 cuốn, tương đương số lượng sách này bán trong các năm trước.

Joern Schuetrumpf, giám đốc nhà xuất bản, cho biết, một bộ phận thanh niên Đức tìm tới tác phẩm của Marx để tìm hiểu những điểm yếu trong cách phát triển kinh tế của thế hệ trước và phản ứng của các nhà lãnh đạo trong cơn bão khủng hoảng tài chính hiện nay.

Theo Vnexpress.net

 

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.