Thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ (1-1-2009) đã đến giờ G. Sau đây là ghi nhận của chúng tôi về phản ứng của các tiểu thương và tình hình buôn bán, chuẩn bị hàng hóa tại các chợ trong những ngày này.
Không dám trữ hàng Tết
|
|
|
Do tâm lý chờ qua ngày 1-1-2009, đến giờ này tiểu thương các chợ vẫn chưa dự trữ hàng bán Tết. |
Dù Tết Dương lịch đã ở sát nách, và chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Âm lịch, bà con tiểu thương ở các chợ Cồn, chợ Hàn, chợ đầu mối Hòa Cường vẫn chưa dự trữ hàng Tết như mọi năm. Chị Nguyễn Thị Minh, hàng chén bát tại ki-ốt 44 – chợ đầu mối Hòa Cường cho biết: “Thời điểm này mọi năm, dân buôn đã nhập hàng về ào ào.
Nhưng năm nay, mọi người chỉ mua hàng vừa đủ, bán hết đợt này thì lấy đợt khác”. Các tiểu thương đều sợ “ôm” hàng, nếu trữ nhiều mà hàng lại đột ngột giảm giá sau 1-1-2009 thì gay go. Cũng như chị Minh, chị L.H, bán hàng bánh kẹo tại chợ Cồn và nhiều bà con khác có tâm lý chờ đợi sau “giờ G”, để thăm dò giá cả và các chủng loại hàng hóa, sau đó mới quyết định nên tiếp tục nhập thêm bao nhiêu. Sự điều tiết này một phần cũng do phản ứng từ khách hàng. Chị L.H giải thích: “Khách hàng không mua hàng Tết từ bây giờ, nhiều người cũng chờ mua hàng giá rẻ sau vài ngày tới”.
Chưa biết tình hình sau thời điểm mở cửa sẽ thế nào, nhưng đa số hộ buôn bán đều mang tâm trạng lo lắng. Theo họ, vài năm gần đây, Metro, BigC đã phần nào làm khuynh đảo thị trường hàng hóa tại các chợ, nay các tập đoàn lớn khác có khả năng ồ ạt đổ vào Việt Nam, họ sẽ “không biết tính thế nào”.
Chị Hồ Thị Thu, bán hàng tạp hóa ở chợ Cồn tỏ ra e ngại, khi sự xuất hiện của các siêu thị lớn đã làm sức mua tại đây giảm xấp xỉ một nửa so với trước. “Khách hàng chừ cái chi họ cũng so đo với giá siêu thị, bán đắt hơn chút là họ không mua. Ít bữa các tập đoàn lớn vào, lượng bán có thể giảm mạnh hơn”, chị Thu nói. Chị còn dự tính chuyển sang kinh doanh những mặt hàng không “đụng hàng” với siêu thị.
Túi, bóp, rau củ quả...bình chân như vại
|
|
Các hộ kinh doanh mặt hàng rau củ quả tươi vẫn tỏ ra bình tâm trước thông tin mở cửa thị trường bán lẻ |
. |
Dù các cơ sở bán hàng “công ty” (hàng chính hãng – P.V) lo sốt vó, thì các sạp bán các mặt hàng nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, Thái Lan tỏ ra không quan tâm mấy trước thông tin mở cửa thị trường bán lẻ. Một chủ sạp bóp, túi cặp ở chợ Hàn (đề nghị không nêu tên) khoát tay: “Doanh thu bọn tôi giảm là do tình trạng ế ẩm chung, chứ không bị ảnh hưởng nhiều bởi hàng hóa ở siêu thị”. Cũng theo người này, sự lo lắng trước “giờ G” là thừa, vì “chưa biết người ta sẽ ra hàng gì, giá cả thế nào, mẫu mã có đẹp hơn hàng mình không”.
Tại các quầy hàng tươi sống, rau củ quả ở các chợ, bà con vẫn tỏ ra bình chân như vại. Ông Huỳnh Viết Thành, Trưởng Ban quản lý Chợ đầu mối Hòa Cường cho hay: “Vì hàng bán sỉ, lại là đồ tươi phục vụ nhu cầu hằng ngày nên không biến động gì mấy. Mỗi ngày có khoảng 250 tấn rau củ quả các loại vẫn đều đặn nhập về chợ”.
Thay đổi cung cách buôn bán ở chợ để tăng năng lực cạnh tranh
|
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương:
|
“Không thay đổi là tự tiêu diệt” Có mấy việc mà tiểu thương các chợ cần làm để có thể tồn tại: thay đổi phong cách bán hàng, không chèn ép, thách giá; bán đúng quy cách, trọng lượng, giá cả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhãn mác, xuất xứ; sắp xếp, trưng bày hàng hóa bắt mắt để người đi chợ vừa chọn lựa, vừa hứng thú với hàng hóa. Hơn lúc nào hết, yêu cầu của khách hàng phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không thay đổi, chợ truyền thống sẽ tự tiêu diệt. | |
|
Trong khi các nhà quản lý đưa ra các kế sách như văn minh thương mại, tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, sửa sang cơ sở hạ tầng chợ..., mỗi tiểu thương cũng tự tìm cho mình phương cách cạnh tranh riêng như: so giá với siêu thị để linh động giá bán; nếu khách mua nhiều, có thể bớt chút ít...
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương dự đoán: “Sau thời điểm 1-1-2009, thị trường càng bị chi phối nhiều, sức mua tại chợ càng giảm. Rất có thể trong vòng vài năm tới, chợ truyền thống chỉ còn là nơi phục vụ hàng hóa mang tính thứ cấp, nhỏ lẻ.
Khách hàng sẽ ngày càng đổ vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn, để vừa mua hàng, vừa thư giãn và ngắm nghía hàng hóa mà không bị chèo kéo, chèn ép giá cả”. Công nhận mặt yếu của chợ trước “cuộc chiến” không cân sức này, ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý các chợ cho biết: “Đã đưa thông tin mở cửa thị trường bán lẻ vào các buổi nói chuyện với các tiểu thương, và khuyến khích họ thay đổi cách bán hàng, mới mong tồn tại được trước sức cạnh tranh dữ dội của các nhà kinh doanh
nước ngoài”.
|
Ý kiến người dân: |
* Chị Lương Vũ Hạ Quyên (tổ 20, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn):
“Với thu nhập ít ỏi như giáo viên chúng tôi hiện nay, muốn mua hàng ngoại cũng khó. Thời gian qua, thông tin nhiều mặt hàng ngoại bị làm nhái, hoặc không bảo đảm chất lượng (nhất là đồ chơi trẻ em, trái cây, rau củ, quả, thực phẩm chế biến); sữa và bánh kẹo có chứa chất melamine… nên có rẻ cũng không dám mua. Làm sao khi mở cửa thị trường bán lẻ sắp tới đây, người dân được dùng hàng ngoại với giá rẻ hơn, lại bảo đảm chất lượng là điều chúng tôi chờ đợi nhất”.
* Bà Đặng Thị Bảy (tiểu thương chợ Cồn): “Nghe nói sắp tới những người buôn bán nhỏ như chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn do mấy công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài vào Việt Nam. Hồi Siêu thị BigC khai trương, trong suốt một tuần liền, hàng hóa của tụi tui đã phải trùm mềm, huống chi thêm vài cái siêu thị như vậy nữa, chắc nghỉ bán luôn ở chợ. Vì vậy sắp tới, mong Nhà nước có nhiều chính sách giúp đỡ những người buôn bán lẻ để chúng tôi duy trì kinh doanh. Chúng tôi cũng mong được làm đại lý bán hàng cho công ty nước ngoài tại chợ”.
* Chị Mai Lệ Hằng (30 tuổi, công nhân KCN Hòa Khánh):
“Nói thiệt, em chưa đi siêu thị bao giờ, quanh năm suốt tháng đi làm cả ngày, muốn mua thứ gì cứ ra chợ cóc. Ở đó toàn là hàng rẻ tiền, phù hợp với thu nhập của công nhân. Có khi nào tụi em nghĩ tới việc mua cái áo vài trăm nghìn đồng đâu. Nghe bạn bè nói sắp tới hàng nước ngoài vô Việt Nam giá rẻ hơn hàng mình, có lẽ khi đó em mới dám mua cái áo đẹp”. Duyên Anh (ghi) | |
|
Bài và ảnh: HẰNG VANG