Hiện nay diện tích đất rừng trồng ở xã Hòa Phú vào khoảng 4.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích toàn xã. Trong đó, có 263 ha là rừng trồng theo dự án, còn lại do người dân tự khai hoang, nhận đất để trồng. Trong số hơn 1.000 hộ dân ở đây thì đã có đến hơn 90% số hộ sống và làm giàu dựa vào các nguồn lợi từ rừng trồng.
Rừng! Của để dành
Từ nhiều năm nay, rừng được xem là “của để dành” của nhiều người dân xã Hòa Phú. TRONG ẢNH: Bác Âng bên cạnh khu rừng keo 3 năm tuổi của gia đình. |
“Trước năm 1998 ở đây là vùng đất rừng tự nhiên, nhưng người ta khai thác nhiều nên cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Thời đó đi khai hoang cực lắm nên chỉ có vài người làm thôi. Bây chừ hầu như nhà mô ở xã cũng có đất rừng trồng, ít thì 2 - 3 ha, nhiều thì lên đến mấy chục ha”. Loại cây được trồng chủ yếu ở đây là keo. Theo như lời bác Âng thì đây là loại cây dễ trồng, nhanh khai thác (chỉ từ 4 đến 5 năm) lại đang được tiêu thụ mạnh.
Trồng rừng được lãnh đạo xã Hòa Phú xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông-lâm-ngư nghiệp ở đây. Được biết, trung bình 1ha rừng trồng khi khai thác người dân thu về từ 25 đến 30 triệu đồng. Nếu ở những khu rừng tốt, đều cây có thể lên đến 40 - 50 triệu đồng. “Trước đây người dân chỉ trồng khoảng 2.000 cây/ha, nhưng một vài năm trở lại đây đã nâng lên 5.000 cây/ha.
Việc tăng số lượng cây trồng trên một diện tích đất không thay đổi như vậy đã rút ngắn được chu kỳ cây khép tán, giúp người dân giảm gần một nửa công chăm sóc. Bất cứ chỗ nào có thể trồng được, người dân đều tận dụng tối đa”, ông Phan Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết. Không chỉ đem lại lợi nhuận cao, kinh tế rừng còn mở ra các dịch vụ rất hiệu quả như: ươm cây giống, chăm sóc rừng trồng, khai thác rừng trồng.
Trong nhiều năm qua những dịch vụ này đã tạo thêm thu nhập và việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Bây giờ ở Hòa Phú, chuyện người dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ rừng trồng đã trở nên quen thuộc. Chỉ vào cánh rừng keo bạt ngàn trước mặt nhà, bác Âng nói: “Ngày trước gia đình tui là hộ nghèo của xã. May nhờ 14ha rừng đang trồng mà đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Năm 2001, khai thác lứa rừng đầu tiên thì xây được cái nhà, mua được cái xe. Lứa thứ hai ni đang chuẩn bị khai thác để cho mấy đứa con ít vốn làm ăn. Ở đây nhà mô cũng coi rừng là của để dành”.
Lo nhất khâu vận chuyển
Những nguồn lợi mà rừng trồng đem lại cho người dân Hòa Phú cũng như thành phố (điều hòa khí hậu, cân bằng sinh thái) là điều đã được thấy rõ trong nhiều năm qua. Nhưng hiện nay những hộ trồng rừng ở đây đang gặp phải mối lo lớn, đó là khâu vận chuyển. Kể từ khi Nhà nước có quyết định cấm lưu hành xe công nông, người dân như ngồi trên đống lửa vì: “Khai thác thì chủ yếu ở sâu trong rừng, mà xe lớn không thể vào được, đó là chưa kể đến chuyện phải qua sông, qua suối.
Mặc dù khi bán, mình đã khoán cho người mua nhưng khi vận chuyển khó, chi phí tăng lên họ trả giá thấp hơn. Không biết những năm sau có giữ được giá 30 triệu đồng/ha nữa không?”, một người dân tên Ty bồn chồn nói. “Đây cũng là vấn đề bức xúc của chúng tôi hiện nay, nhưng đó là quy định của Nhà nước nên không thể làm khác.
Chúng tôi đang động viên và tạo mọi điều kiện để người dân trong xã chú trọng đẩy mạnh xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng-rừng nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, giúp họ có thể vượt qua được khó khăn mà không bỏ rừng”, ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA