.

Cuối năm, các tiệm may vẫn thảnh thơi

.

Nếu như những năm trước, trong thời điểm cuối năm này hầu hết các chủ tiệm may đã khóa sổ không nhận hàng thì năm nay mọi chuyện dường như đã khác...

Sức mua giảm một nửa

Phần lớn các tiệm may nhỏ lẻ thời điểm này vẫn còn nhận hàng, khác hẳn với mọi năm.

So với mọi năm, thời điểm này được đánh giá là ảm đạm nhất đối với thị trường may mặc và vải vóc. Ở chợ Hàn, 86 hộ kinh doanh vải và hơn 30 hiệu may hiện đang trong tình trạng ế ẩm. Chị Nguyễn Thị Tài, chủ sạp vải Nguyên Tài bày tỏ: “Năm ngoái vào thời điểm này, khu hàng vải là nơi thu hút được nhiều người đến mua sắm dịp cuối năm. Nếu năm 2007, thời gian này tôi bán được 80% thì nay chỉ còn 30%. Nhiều ngày đến chiều vẫn chưa “mở hàng” được”.

Sức mua giảm một phần cũng do giá vải vào dịp cuối năm tăng mạnh. Như vải phi, phi thun, mousseline của Trung Quốc... giá từ 22.000 đồng - 27.000 đồng/m (tăng 3.000 đồng - 6.000 đồng/m); linen, xô, đũi, cotton, thun, kate... giá từ 35.000 đồng - 55.000 đồng/m (tăng 5.000 đồng - 11.000 đồng/m); vải quần tây giá từ 90.000 đồng - 160.000 đồng/m. Cũng chất liệu tương tự nhưng so với hàng của Trung Quốc, hàng sản xuất ở Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, EU... có giá cao hơn từ 4.000 đồng - 25.000 đồng/m. Theo đó, giá bán sỉ vải gấm, phi, lụa... của Thái Tuấn, Phước Thịnh, Toàn Thịnh tăng từ 3.000 đồng - 12.000 đồng/m; cotton, kate, xô... của Thắng Lợi, Thành Công tăng từ 4.000 đồng - 9.000 đồng/m. Điều này đã khiến cho nhiều khách hàng phải nhìn vào hầu bao của mình trước khi quyết định mua vải để may mặc.

Hơn nữa mẫu vải mỗi năm mỗi khác, thế nên nhiều mặt hàng không bán được trong năm đã trở nên lỗi thời và không thể thu hồi lại vốn. Chị Tài còn cho chúng tôi thấy một sấp vải kate đã ngả màu vàng ố không thể tiêu thụ. Mặt hàng vải xô cũng tương tự, trước đây mua vào 25.000 đồng/m thì nay bán lại chỉ còn 10.000 đồng/m nhưng cũng ít khách hàng chọn mua loại này.

Chị Nguyên, chủ sạp vải Nguyên Thi cho biết thêm: “Thị trường vải hiện nay vẫn bình lặng, dù đang là thời điểm cuối năm. Bình quân ngày bán được 700.000 - 800.000 đồng, còn những hôm ế ẩm thì chỉ bán được 100.000 - 200.000 đồng”. Sự giảm mạnh về sức mua không chỉ ảnh hưởng đến các tiểu thương buôn bán mặt hàng vải vóc mà còn gây tác động lớn đến thị trường may mặc. Đây là xu hướng thay đổi nhu cầu ăn mặc, thời trang của người dân hiện nay.

Vải không bán được, thợ may... rảnh việc

Đang vào thời điểm mua sắm cuối năm nhưng chủ sạp vải vẫn thảnh thơi đọc báo.

Sự cộng sinh của các tiệm vải và các cửa hiệu may lâu nay vẫn là một sự hợp tác hoàn hảo để cho ra đời một sản phẩm đẹp, phù hợp với sở thích và sự lựa chọn của khách hàng. Thương hiệu Veston Lực (5 Phan Châu Trinh) từng thu hút nhiều khách hàng nay cũng gặp phải những khó khăn do tình hình chung mang lại, công suất hoạt động chỉ đạt từ 50 đến 70%.

Theo ông Lê Lực, gần 30 năm gắn bó với nghề may, ông nhận thấy rằng, trước mùa tựu trường và đón Tết là thời điểm mà các sạp vải và thợ may cùng “ăn nên làm ra” vì ai cũng mong có một bộ cánh mới để đón Tết, vui xuân. Hiện nay, việc đầu tư cho một bộ veston khá tốn kém, các loại vải thường được dùng phải là hàng hiệu như Loropiana, Dourmeuil hay Cashmierre… nên khách hàng đến với Lực thường là người có thu nhập cao. Nhưng số lượng đơn đặt hàng giảm cũng chứng tỏ người giàu cũng như người nghèo đang tính toán lại chi tiêu, không mạnh tay may mặc hay mua sắm đồ mới như trước.

Trái ngược lại với những thương hiệu đã có tên tuổi, một số tiệm may cơ sở nhỏ vẫn tiếp tục nhận hàng, khác với mọi năm họ thường từ chối khách hàng từ trước Tết từ 1,5 đến 2 tháng. Như tiệm may Bích Nụ, đường Châu Thượng Văn, khu dân cư Hòa Cường Nam khóa sổ nhận hàng đặt may trước Tết 1 tháng. Đây là tiệm nằm trong khu chung cư, chủ yếu là khách quen nên mọi người cứ thủng thẳng đến đặt hàng. Tiệm may Anh Tuấn trên đường Ngô Quyền tuy không nhận đồ đầm, váy từ 1 tháng nay, nhưng vẫn tiếp tục nhận quần tây (nam) và đồ veston cho đến vài tuần trước Tết.

Xu hướng hiện nay, khách hàng thường tìm đến chỗ quen, tin tưởng vào tay nghề và giá cả hợp lý để may quần áo. Hiện nay, giá may một bộ quần áo đắt hơn giá mua sắm những mặt hàng may sẵn. Ngoài ra, sản phẩm may sẵn có nhiều mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý để khách hàng lựa chọn nên xu hướng may đồ cuối năm không còn nhộn nhịp như những năm trước.
 
Ở những tiệm may tên tuổi, một bộ đồng phục công sở của nữ thường có giá may từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng, chưa kể tiền vải. Trong khi đó, giá một bộ đồ công sở bán tại các cửa hàng, shop cũng chỉ giao động khoảng từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Còn với veston thì giá may có khi lên đến cả triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều người đã chọn những tiệm may bình dân với giá 40.000 đồng đến 45.000 đồng/áo, veston công sở từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng/bộ…

Sự chuyển hướng của thị trường vải hay may mặc có thể là một tất yếu trong sự khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên những cửa hàng vải ở chợ, trên các đường Trần Phú, Lê Duẩn, Cô Giang, chủ những tiệm may lớn nhỏ trong thành phố đều hy vọng một năm mới đến sẽ có nhiều triển vọng hơn, công việc làm ăn cũng sáng sủa hơn...

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.