.

Đà Nẵng có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất Việt Nam

.

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 11-12, Đà Nẵng lần đầu tiên đứng đầu bảng, sau 3 năm liền đứng thứ hai, vượt qua Bình Dương, địa phương liên tiếp đứng đầu trong các lần xếp hạng trước.

3 nút thắt cần thay đổi

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2008 có một số phát hiện đáng ngạc nhiên. Trước tiên đó là việc Bình Dương, một tỉnh liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI trong 3 năm đã để mất danh hiệu quán quân vào tay Đà Nẵng, địa phương liên tục chiếm vị trí á quân trong tất cả các năm trước đây. Điều này cho thấy, nếu không cố gắng, sự tụt hạng là tất nhiên. 

PCI 2008: Đà Nẵng đứng đầu, Điện Biên “đội sổ” Nguồn: VCCI

Luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đồng thời là trưởng nhóm thực hiện PCI, nhận định Đà Nẵng hấp dẫn các doanh nghiệp nhờ đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, có tính minh bạch cao hơn các địa phương khác, và có khâu đào tạo lao động tốt.

Thứ hai, mặc dù kết quả xếp hạng PCI theo các năm tương đối ổn định, điểm số của năm 2008 ở tất cả các nhóm xếp hạng nhìn chung thấp hơn so với năm trước. Tỉnh trung vị trong PCI 2008 có điểm số thấp hơn so với năm 2007 là 2,4 điểm, giảm từ 55,6 điểm xuống còn 53,2 điểm. Điểm tỉnh trung vị năm nay mặc dù vẫn cao hơn so với năm 2006 (52,41 điểm) nhưng những cải thiện trong công tác điều hành giữa năm 2006 - 2007 có phần đảo chiều.

Để xây dựng chỉ số PCI 2008, VCCI cho biết đã điều tra 7.820 DN trên cả nước, tăng so với 6.700 DN năm 2007. Điểm mới trong báo cáo PCI năm nay, ngoài chỉ số xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, sẽ có thêm bộ chỉ số về cơ sở hạ tầng, nhằm đánh giá và xếp hạng về mức độ phát triển, mức độ thuận.

Theo Luật gia Trần Hữu Huỳnh, PCI đã chỉ ra 3 nút thắt trong việc điều hành của chính quyền địa phương, đó là cải cách hành chính, vấn đề lao động và nhân lực, vấn đề cơ sở hạ tầng.

Với cải cách hành chính, theo ông Huỳnh, chỉ số thành phần Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước cũng thay đổi theo chiều hướng đáng lo ngại. Từng chỉ tiêu cấu thành của chỉ số này lại giảm rõ rệt. Tỷ lệ phần trăm chi phí thời gian DN phải bỏ ra để giải quyết các công việc liên quan đến giấy tờ và thủ tục hành chính tiếp tục tăng hàng năm. Hiện tại, có tới 23% số DN phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, điều này còn tăng hơn cả 2007.

“Điểm nóng khó khăn” là lao động và nguồn nhân lực vẫn tiếp tục kéo dài suốt từ năm 2007 sang đến 2008 chỉ với 18,50% hài lòng với chất lượng lao động địa phương. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng ngày càng trở thành “gánh nặng” của doanh nghiệp, trung bình mỗi doanh nghiệp mất đến 7,5 ngày, 71% doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm bị ảnh hưởng.

Cơ sở hạ tầng cũng đã khiến nhiều DN gặp khủng hoảng. Trung bình mỗi DN mất 7,5 ngày do hệ thống giao thông từ DN tới trung tâm tỉnh không lưu thông được do lũ lụt, thiên tai... 71% DN sản xuất bị có sản phẩm bị ảnh hưởng do chất lượng hệ thống giao thông kém, tổng giá trị thiệt hại cho mỗi DN trung bình là 43 triệu đồng/năm. Trong tháng gần nhất, trung bình một DN bị cắt điện 48,29 giờ.

Chỉ số đánh giá về năng lực điều hành của lãnh đạo cấp tỉnh

Điểm mới của PCI năm 2008 là đưa ra bảng so sánh mức độ cải thiện của chính mỗi tỉnh giữa năm 2006 và năm 2008. Dù chưa hẳn vượt trội lên trên bảng xếp hạng nhưng qua đó ghi nhận những nỗ lực tự vượt lên chính mình của một số địa phương như Cà Mau, Long An, Hà Nam… là động lực cho các tỉnh này tiếp tục cải thiện hơn nữa.

Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak cho rằng PCI 2008 là “tiếng nói của doanh nghiệp” khi đại diện cho 7.820 doanh nghiệp dân doanh đủ các thành phần đến từ 64 tỉnh thành được điều tra khách quan. Do đó, những số liệu của PCI chính là “tấm gương soi” hiệu quả các chính sách kinh tế từ T.Ư xuống địa phương cũng như năng lực điều hành lãnh đạo cấp tỉnh.

Trên cơ sở đó, không chỉ giúp địa phương kịp thời phân tích các điểm mạnh, điểm yếu để thúc đẩy cải cách mà còn là cơ sở tham chiếu rất tốt cho các cơ quan quốc tế khi đề ra ưu tiên cho các nguồn tiền tài trợ. 

Theo các chuyên gia, kết quả đánh giá chỉ số PCI không làm suy giảm vị thế kinh tế - chính trị của các địa phương như nhiều người nghĩ. Thực chất, PCI là chỉ số đánh giá về năng lực điều hành của lãnh đạo cấp tỉnh với kinh tế tư nhân chứ không là chứng chỉ bao quát về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông Võ Trí Thành, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ) nhấn mạnh: Không có chỉ số nào là hoàn hảo hay có độ tin cậy 100%. Vấn đề quan trọng là PCI cho thấy tâm tư của DN muốn gửi gắm tới lãnh đạo địa phương. Hơn thế, “soi” vào PCI không phải là soi vào thứ hạng cao hay thấp mà lãnh đạo các địa phương phải nghiêm túc lắng nghe ý kiến DN nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đó mới là cái được của PCI.

Tổng hợp từ VCCI, VNN, VNE

;
.
.
.
.
.