.

Đà Nẵng - Huế: Siêu đô thị liên kết?

.

Trong 3 ngày từ 9 đến 11-12-2008, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển (CEFURDS) ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và Đơn vị Nghiên cứu Hỗn hợp 151 thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Trường Đại học Provence ở Pháp đồng tổ chức.

Một góc đô thị Đà Nẵng - nhìn từ bờ đông sông Hàn.  Ảnh: T.LÂN

Tham dự hội thảo có 148 nhà khoa học, nhà quản lý đô thị, các kiến trúc sư và luật gia; trong đó có 32 đại biểu nước ngoài đến từ Pháp, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Anh, Canada, Mỹ hoặc đang công tác ở các tổ chức kinh tế, văn hoá tại Việt Nam. Cả thảy có 49 tham luận, trong đó 13 tham luận của người nước ngoài.

Tại hội thảo, ông Christian Taillard, Giám đốc Nghiên cứu thuộc Trung tâm Đông Nam Á của Pháp đã trình bày báo cáo với chủ đề: Từ đô thị hóa tuyến tính ở vùng ven đến siêu đô thị đa trung tâm với các khu đô thị mới - Trường hợp thành phố Đà Nẵng, Việt Nam (D’une urbanisation linéaire périphérique à une métropolisation polycentrique, hiérarchisée en nouveaux quartiers, l’exemple de Da-Nang au Viêt-Nam).

Christian Taillard mở đầu thật ấn tượng khi nói rằng Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997, nhưng không được mời viết tham luận trong Hội thảo “vì thành phố đang trong giai đoạn phát triển không gian nhanh chóng trong khuôn khổ quy hoạch đô thị nhằm đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn thứ ba ở Việt Nam, đô thị trung tâm của miền Trung, dần dần tự chủ hơn so với hai đô thị lớn ở khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam”.

Báo cáo của Christian Taillard cho rằng, các công trình cảng và sân bay ở Đà Nẵng có từ thời thuộc địa và thời Mỹ chiếm đóng đã tạo tiền đề cho sự phát triển theo kiểu vết dầu loang chung quanh khu trung tâm đô thị. Sự phát triển này còn được đẩy mạnh do vào thời chiến tranh, dân cư từ nông thôn các nơi kéo về làm gia tăng mật độ dân số ở khu trung tâm.

Từ khi thành lập thành phố trực thuộc trung ương, việc tổ chức lại mạng lưới giao thông đô thị đã dẫn đến việc đô thị hóa dọc theo các trục giao thông mới xây dựng, hình thành các công trình mới lấn át các công trình hiện hữu.

Trong vòng 10 năm mở rộng đô thị hóa vùng ven, Đà Nẵng đã hình thành một “siêu đô thị đa trung tâm” dựa trên mạng lưới các trung tâm có tầm quan trọng và có chức năng khác nhau, được hình thành ở vùng ven hoặc ở trung tâm hiện hữu. Các khu đô thị mới được quy hoạch và phát triển dọc theo các trục giao thông đô thị.

Tuy nhiên, theo Christian Taillard, vì quá trình đô thị hóa vùng ven mới xảy ra, nên những thay đổi nói trên chỉ mới có ở dọc các trục giao thông chính và ở các khu trung tâm đô thị mới; chứ chưa tác động nhiều đến các công trình xây dựng ở khu đô thị trung tâm vốn có và vùng ven. Những tuyến đường ngang chưa nhiều, còn sau lưng các tuyến đường chính thì nhà cửa đang còn khá ngổn ngang.

Vì thế, cảnh quan đô thị Đà Nẵng hiện tại “dường như là tổng hợp của hai yếu tố chính: các công trình hạ tầng chính yếu trộn lẫn với thôn xóm nông thôn và phố phường đô thị hiện hữu”. Những thay đổi này định hình cho diện mạo của đô thị Đà Nẵng trong tương lai; nhưng hiệu quả của mô hình phát triển đô thị theo quy hoạch này còn tùy thuộc vào khả năng giữ được nhịp độ đầu tư phát triển của Chính phủ và của Ủy ban Nhân dân thành phố, quận, huyện ở Đà Nẵng.

Trong phần thảo luận, các nhà khoa học đã phát biểu một số ý kiến về hai đô thị lớn ở miền Trung là Đà Nẵng và Huế. Terry Mc Gee, Giáo sư chuyên ngành Đô thị hóa và Phát triển ở khu vực Đông Nam Á của Trường Đại học British Columbia ở Canada cho rằng Đà Nẵng phát triển theo hướng đô thị đa hạt nhân, với sự mở rộng từ khu trung tâm qua khu vực hữu ngạn sông Hàn, ra phía bắc đến đèo Hải Vân và về phía đông.

Đà Nẵng đã phát triển hết sức năng động và đang chứng minh vai trò đô thị lớn nhất ở miền Trung. Còn đô thị Huế phát triển đơn trung tâm, rất hạn chế tuy có nỗ lực mở rộng ra bên ngoài. Nhưng đô thị Huế dù kém phát triển kinh tế, hạ tầng, vẫn có lịch sử hình thành rất đặc biệt và có vai trò không nhỏ. Cả hai đô thị này đều phải tiếp tục suy nghĩ hướng phát triển của mình.

Mike Douglass, giáo sư ngành Đô thị và Qui hoạch vùng, Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa của Trường Đại học Hawaii của Mỹ cho rằng, muốn đô thị phát triển phải tiến lên quy hoạch vùng mới khiến qui mô thay đổi, vị thế thay đổi. Đà Nẵng là thành phố trung tâm miền Trung, đối trọng với hai đô thị lớn ở hai đầu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng muốn Đà Nẵng sánh vai với hai đầu đất nước, không thể không có chiến lược phát triển phù hợp.

Theo Mike Douglass, Đà Nẵng và Huế nằm cạnh nhau, nhưng vẫn ở trong mối quan hệ cạnh tranh nhau, đó là điều chưa ổn. Chính phủ Việt Nam bước đầu đã có ý tưởng quy hoạch vùng, khi xác định 3 vùng đô thị trọng điểm của đất nước là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh (Mike Douglass cho rằng có thể có thêm vùng thứ tư là Cam Ranh). Vì thế, miền Trung cần có sự kết hợp giữa Đà Nẵng và Huế, mà hầm đường bộ Hải Vân đã tạo tiền đề, mới đủ sức vươn lên bằng hai đầu đất nước.

Các đô thị phát triển theo các hướng đa cực hay đơn cực tùy theo đặc thù của mình. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là đô thị đơn cực, nhưng Đà Nẵng và Huế cần có sự kết hợp để tạo nên đô thị đa cực, trong đó Đà Nẵng giữ vai trò quan trọng, thì mới mong đủ sức có một đô thị ở miền Trung đạt tầm cỡ như đô thị ở hai đầu.

Nhận định chung của số đông đại biểu tham dự hội thảo là các đô thị ở miền Trung chưa đạt đến quy mô mong muốn...Hiện nay, trong xếp loại đô thị, ở Việt Nam chỉ có 2 đô thị loại đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; 3 đô thị loại I là các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế (trong đó Huế trực thuộc tỉnh); 14 đô thị loại II là các thành phố Cần Thơ, Thái Nguyên, Hạ Long, Việt Trì, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Biên Hòa, Vũng Tàu, Mỹ Tho (trong đó Cần Thơ trực thuộc Trung ương).

Theo Nghị định 72/2001/NĐ-CP ngày 5-10-2001 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, đô thị loại đặc biệt phải đảm bảo các tiêu chuẩn là thủ đô hoặc đô thị với chức năng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động từ 90% trở lên; có cơ sở hạ tầng được xây dựng về cơ bản đồng bộ và hoàn chỉnh; quy mô dân số từ 1,5 triệu người trở lên; mật độ dân số bình quân từ 15.000người/km2 trở lên.

Với sự phân cấp trên, liệu đến bao giờ miền Trung sẽ có đô thị xếp loại đặc biệt? Cách thức nào để thực hiện mục tiêu miền Trung có đô thị đặc biệt ngang hàng với hai đầu đất nước? Trả lời câu hỏi đó, thiết nghĩ các nhà khoa học qua Hội thảo quốc tế về Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á đã có những gợi mở rất đáng suy nghĩ.
Đà Nẵng - Huế: Siêu đô thị liên kết. Tại sao không? 

Huế, ngày 12 tháng 12 năm 2008
 
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.