Sau 3 năm liên tục xếp vị trí thứ 2 về chỉ số cạnh tranh (PCI), Đà Nẵng không chỉ vượt qua Bình Dương mà đã vượt qua chính mình. Nhìn ở khía cạnh phát triển liên kết vùng, thành phố Đà Nẵng đã hội tụ sức mạnh để trở thành thành phố động lực của khu vực miền Trung trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nội lực
Năm 2008, Đà Nẵng là đơn vị dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và là “thỏi nam châm” đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ về phát triển kinh tế từ các DN trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Giày thể thao, mặt hàng XK truyền thống của Đà Nẵng. |
Một trong những thành công lớn nhất và nổi bật đối với Đà Nẵng là đẩy mạnh đầu tư phát triển, chú trọng đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thiện môi trường đầu tư. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng bình quân 22%/năm; trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển cơ sở hạ tầng tăng gấp 7,1 lần. Nguồn vốn trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển và thay đổi cơ bản bộ mặt thành phố. Nhiều công trình trọng điểm, công trình công cộng, văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu tái định cư đã đưa vào sử dụng, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và khu vực.
Với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã tạo nền tảng liên kết vùng, tạo động lực phát triển giữa thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác trong khu vực miền Trung. Thành phố đã triển khai trên 265 đồ án quy hoạch chi tiết các khu dân cư và hơn 50% số khu dân cư đã được đầu tư hoàn thành đồng bộ. Nhiều khu đô thị tương đối hiện đại hình thành dọc các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà - Điện Ngọc… Thực hiện tốt chủ trương “nội lực là chủ yếu, ngoại lực là quan trọng”, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài các thành công về mặt kinh tế, thành phố Đà Nẵng đã quan tâm và chú trọng giải quyết hợp lý các vấn đề xã hội thông qua thành công bước đầu của chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, thực hiện chủ trương an dân, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mục tiêu phát triển bền vững… Đây là một trong những nền tảng mang lại cho Đà Nẵng hình ảnh một thành phố yên bình, trật tự, văn hóa.
Đà Nẵng đã vượt qua chính mình bằng kết quả xếp hạng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố năm 2008. Kết quả này là do những nỗ lực cải cách hành chính, đáng chú ý là mô hình “Một cửa liên thông” trong cấp phép kinh doanh, tăng cường tính công khai minh bạch về chủ trương chính sách, mở rộng dân chủ, đi kèm một số định hướng mang tầm chiến lược như lựa chọn mô hình phát triển thân thiện với môi trường, cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế mũi nhọn du lịch dịch vụ... đã tạo ra động lực nhằm duy trì vị thế cạnh tranh cho Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng đã và đang triển khai lộ trình đổi mới thông qua kế hoạch triển khai mô hình Chính quyền đô thị. Đà Nẵng tự hào là điểm “đất lành chim đậu” làm nên một thương hiệu Đà Nẵng trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn.
Hội nhập sâu, vị thế mới - tầm cao mới
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã xây dựng mối liên kết theo phương châm “Hai địa phương - một điểm đến”. Về kinh tế, hai địa phương thống nhất đầu tư phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và xây dựng Đà Nẵng, Quảng Nam thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Đặc biệt mới đây, hai địa phương phối hợp đề xuất Trung ương xây dựng tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Đà Nẵng - Quảng Nam theo đường 14D - Cửa khẩu Đăk Ôk - Cao nguyên Bôlôven - Sêkông - Pắcsế - Bangkok. Đối với việc hợp tác xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, trước mắt, xây dựng chung chương trình quảng bá du lịch, đẩy mạnh kết nối các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội văn hóa của hai địa phương.
Về công tác quy hoạch, hai Sở Xây dựng phối hợp nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng và các khu đô thị - nông thôn thuộc tỉnh Quảng Nam có vị trí kế cận Đà Nẵng, bảo đảm sự hài hòa trong phát triển không gian đô thị, các phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các vấn đề về bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên để cùng phát triển bền vững.
Đà Nẵng-Quảng Nam đã phối hợp thu hút đầu tư, khai thác các khu vực đang phát triển mạnh thuộc chuỗi đô thị và dải ven biển Đà Nẵng - Điện Nam - Điện Ngọc - Hội An. Trong phát triển du lịch, chú trọng các tuyến du lịch trọng điểm Đà Nẵng - Sơn Trà - Làng Vân, Đà Nẵng - Cù lao Chàm, Đà Nẵng - Huế… Thành phố Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam xây dựng chương trình du lịch “Con đường Di sản”.
Về công nghiệp và xây dựng sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp kinh tế biển, các KCN tập trung, gắn phát triển của các KCN với sự phát triển của hệ thống đô thị, dịch vụ phục vụ cho kinh tế vùng. Về xã hội tăng cường chia sẻ công tác chăm lo các đối tượng chính sách xã hội, nâng tầm cao mới trong giáo dục-đào tạo. Từ dự án Làng đại học Đà Nẵng đã nâng tầm thành lập một trường đại học quốc tế gắn với phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đời sống, dịch vụ chất lượng cao.
Từ kinh nghiệm đầu tư phát triển hạ tầng đô thị ở Đà Nẵng, các địa phương miền Trung đặc biệt là các tỉnh phụ cận có thêm một bài học thực tế sinh động. Các tỉnh đã biết khai thác tiềm lực sẵn có để phát triển kinh tế. Riêng từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế, trong vòng bán kính 500 km đã hình thành 5 khu kinh tế, công nghiệp tựa vào nhau để cùng phát triển.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đầu tư những hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản trị giá từ hàng ngàn tỷ đồng đến hàng tỷ đô-la như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Hầm đường bộ Hải Vân, đường Trường Sơn công nghiệp hóa từ Quảng Bình đến Kon Tum… Cách Đà Nẵng 70 km, Chu Lai, Dung Quất với hàng chục cơ sở công nghiệp nhanh chóng lấp đầy, khẳng định là hai trung tâm kinh tế mở và công nghiệp lọc dầu duy nhất của đất nước.
Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ của Đà Nẵng khi hướng về các ngành kinh tế như công nghiệp và dịch vụ, du lịch... đang làm nên động lực, tạo thế và lực để nhanh chóng làm đổi thay cơ cấu của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng đã và đang hội nhập sâu với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vị thế mới, tầm cao mới.
Bài và ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG