.

Để giữ vững ngôi đầu PCI

.

Lần đầu tiên sau 4 năm thực hiện việc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp thực hiện, Đà Nẵng đã chính thức vượt qua Bình Dương để đứng vào ngôi đầu; trước đó, Đà Nẵng cũng đã 3 năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ 2. Điều này khẳng định rằng, môi trường đầu tư ở Đà Nẵng đã tốt lên rất nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong cái vui vẫn có cái lo, lo làm sao giữ vững được ngôi vị này, bởi đạt được đã khó mà giữ được lại càng khó hơn.

Ngày càng nhiều các công trình có vốn FDI mọc lên trên đất Đà Nẵng.

Với 10 chỉ số để xét chọn là: Chi phí gia nhập thị trường (chi phí thành lập doanh nghiệp); tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước (môi trường cạnh tranh); tính năng động và tiên phong của chính quyền thành phố; chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý, Đà Nẵng đã có sự bứt phá lớn khi vượt qua Bình Dương, một địa phương đã nhiều năm liền đứng ở ngôi vị số 1.

Cho dù, không phải lúc nào các chỉ số trên cũng đạt điểm tuyệt đối  mà có những chỉ số hầu như tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều giảm như: Đào tạo lao động và chính sách phát triển kinh tế tư nhân, hay thủ tục hành chính, chi phí không chính thức… đôi lúc, đôi nơi chưa thật sự thông suốt. Tuy nhiên, Đà Nẵng đã phát huy được những tiềm năng thế mạnh vốn có của mình như: Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, hạ tầng cơ sở…
 
Đặc biệt về khả năng năng động, Đà Nẵng đã có những cố gắng nhất định khi trong năm 2008, riêng Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố đã làm việc với  80 đoàn các nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ như Ma Cao, Nhật Bản, Pháp, Hồng Kông, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất... để tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư hoặc triển khai dự án đầu tư tại thành phố.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của mình như: “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển”; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN 12; Diễn đàn Kinh tế miền Trung; Thông tin mới nhất về Đà Nẵng tại Nhật Bản... Trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ những biến động của tình hình kinh tế thế giới, nhưng số nhà đầu tư đăng ký vào Đà Nẵng tiếp tục tăng, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD, nâng lũy kế số nhà đầu nước ngoài tại Đà Nẵng lên con số 146. 

 Một góc Khách sạn Furama và Khách sạn Hoàng Trà.

Thành công trên cho thấy, môi trường đầu tư của thành phố không ngừng được cải thiện, thủ tục đầu tư ngày càng đơn giản, nhanh chóng, thời gian được rút ngắn và chi phí cho nhà đầu tư đã giảm... Một điều dễ nhận thấy nhất là lãnh đạo thành phố đã tích cực chỉ đạo, đề ra cơ chế, chính sách sát với thực tế, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và hết sức quan tâm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Song để giữ vững vị trí ngôi đầu, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò “một cửa liên thông”, cải tiến quy trình cấp quyền sử dụng đất, thẩm định các dự án quy hoạch… bảo đảm tính chính xác, nhanh chóng, kịp thời. Thúc đẩy các cơ quan chức năng hoàn thành sớm công tác giải tỏa đền bù để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư.
 
Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, cơ hội và môi trường đầu tư tại thành phố thông qua các hội nghị, hội thảo, báo chí, truyền hình, mạng Internet và Văn phòng đại diện của Đà Nẵng tại Nhật Bản; phối hợp với các cơ quan đối tác trong nước và nước ngoài tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tại một số thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Hoa Kỳ và các nước Ả Rập... và các hội thảo khác trong nước cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
 
Tập trung đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ thuật ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng tài liệu xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện việc lập các dự án cơ hội gọi vốn FDI đạt chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố và sự quan tâm của nhà đầu tư. Chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư thông qua các khóa đào tạo trong và ngoài nước...

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.