Nghề tư vấn doanh nghiệp (DN) còn khá mới mẻ tại Việt Nam, đặc biệt lại rất mới tại thị trường Đà Nẵng vốn có những đặc thù riêng. Tư vấn có thể mang lại cho DN những ý kiến hay để có một quyết định đầu tư đúng hoặc sắp xếp lại bộ máy hoạt động hiệu quả. Nhưng có một vấn đề mà các nhà tư vấn từng làm việc với các DN rút ra là “chính DN cần tư vấn nhưng họ không hiểu được nhu cầu thực sự của mình”.
Cần “khám bệnh” tìm thuốc
Được tư vân tiếp cận quản trị kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tránh được những " sự cố " trong điều hành. ảnh Đức Thịnh |
Loại thuốc này được kê bởi chính các nhà tư vấn. Họ có thể chỉ ra cho DN những thiếu sót, kẻ hở, hay căn nguyên của “căn bệnh” trong các lĩnh vực nhân sự, luật pháp, tài chính... và đưa ra những giải pháp phù hợp với từng DN trong tình hình thực tế. Nhưng theo ông T.K, một nhà tư vấn thì nhiều nhà DN thấy có nhu cầu cần tư vấn trong vấn đề kinh doanh, nhưng khi tiếp cận nhà tư vấn, họ lại không chỉ ra được bản thân mình cần nhu cầu gì. Những thông tin, tài liệu liên quan đến lĩnh vực cần tư vấn DN cung cấp không đầy đủ cũng khiến việc tư vấn gặp khó khăn khi hai bên mới bắt đầu tiếp cận lẫn nhau. Do đó, sự tư vấn DN cần chuyên nghiệp ở cả hai phía mới đem lại một thương vụ thành công.
Một hạn chế nữa của nhiều DN đang gặp phải là khi ký kết hợp đồng làm ăn với đối tác, họ không đọc kỹ hợp đồng, hoặc đọc và hiểu một cách sơ sài khiến trong quá trình hợp tác có thể nảy sinh xung đột. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng đại diện Văn phòng luật sư Phạm&Liên danh tại Đà Nẵng cho rằng đây là hạn chế lớn của nhiều DN, đáng lẽ khi bắt đầu một vụ việc kinh doanh cần tư vấn pháp lý thì DN bỏ qua, đến lúc có “vấn đề” họ mới cuống cuồng đi mời tư vấn.
Các doanh nghiệp rất cần tư vấn để có một chiến lược kinh doanh hiệu quả. |
Những lời khuyên hữu ích
Khi DN “bệnh”, họ cần đến nhà tư vấn. Đây đã là một bước đột phá trong hoạt động kinh doanh, nhưng đôi khi sự nóng vội của ông chủ DN đã không mang đến thành công. Trước hết, DN muốn sử dụng tư vấn thì ông chủ đó phải quyết tâm. Dù là tư vấn vụ việc hay tư vấn trọn gói thì bạn cần theo đến cùng các bước, quy trình mà nhà tư vấn đã soạn sẵn. Tư vấn vụ việc nhiều nhất hiện nay các DN cần là phát hành, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, hay tư vấn ISO (DN rất thích loại tư vấn này vì nó đem lại một thương hiệu nhất định cho DN) và chỉ trong một thời gian nhất định. Nhưng với những tư vấn trọn gói, cần tái lập DN thì cần một chính sách lâu dài, có chiến lược marketting, vận hành, sắp xếp lại bộ máy để giải quyết bài toán tổng thể. Gói tư vấn này có thể kéo dài trong nhiều năm và đôi khi khiến nhiều DN nóng vội không muốn theo đến cùng.
Ông T.K cho rằng, các DN vừa và nhỏ ở Đà Nẵng ít nghĩ đến một chiến lược dài hơi trong sản xuất kinh doanh, đây là một đặc điểm khác biệt với các DN ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - họ biết mình muốn gì để thuê tư vấn làm việc. Một đặc điểm nữa là ít DN được tư vấn tiếp cận quản trị kinh doanh nên có thể họ dễ gặp “sự cố” trong điều hành DN. Trong lĩnh vực pháp lý, ông Phạm Văn Thanh thì cho rằng điểm yếu của DN Đà Nẵng là ít chú trọng trong khâu ký kết hợp đồng (không sâu sát nội dung thể hiện trong hợp đồng), không thuê tư vấn ngay từ ban đầu và rất ít chú trọng về thương hiệu.
Tư vấn luật cho khách hàng tại VP công ty luật Phạm và Liên Danh tại ĐàNẵng |
Thị trường rộng mở cho nhà tư vấn
Để trở thành nhà tư vấn luật, theo ông Phạm Văn Thanh, Luật sư ngoài sự hiểu biết 1-2 vấn đề luật chuyên môn (kinh tế, dân sự...), cần hiểu biết nhiều ngành luật khác, tránh trường hợp làm chuyên sâu và hướng cho khách hàng mình chỉ biết về vấn đề đó. Ngoài ra cần tư vấn viên có kỹ năng tư vấn, cần tâm huyết với nghề, đặc biệt với nghề luật cần phải có tấm lòng-đạo đức của Luật sư để đem lại công bằng cho xã hội. Còn ông T.K thì cho rằng làm tư vấn doanh nghiệp (tư vấn quản trị), cần học ngành kinh tế, tốt hơn hết là có bằng MBA, có trải nghiệm trong điều hành DN và am hiểu luật pháp (luật chứng khoán, lao động, thuế, đầu tư...) . Ngoài ra họ còn phải tự khẳng định mình bằng kinh nghiệm, thành tích công việc và những tố chất không thể thiếu.
Có nhiều dự báo thị trường dịch vụ tư vấn sẽ mở rộng tại Việt Nam do tư vấn sẽ là một thói quen xã hội. Khoảng 90% doanh nghiệp VN mới ở tuổi 10-15, sau thời gian gầy dựng, họ đang khao khát phát triển. DN cần một tái cấu trúc tất cả từ quy mô công ty, nhân sự đến kỹ năng, chiến thuật, chiến lược kinh doanh... nên DN rất cần đến dịch vụ tư vấn. Việc cần ra đời hiệp hội tư vấn để giúp ổn định, nâng cao chất lượng dịch vụ để nghề tư vấn ngày càng phát triển cũng như nhiều DN cần một ý kiến từ bên ngoài để phát triển hơn sẽ là điều không thể thiếu trong tương lai.
Hoàng Nhung