.

GDP và chất lượng cuộc sống

Lâu nay trong các báo cáo tổng kết tình hình kinh tế, chúng ta hay dùng các chỉ số như GDP, tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người... để đo tốc độ phát triển. Theo dõi báo chí, chúng tôi thấy đa số các tỉnh đều công bố những con số chóng mặt:
 
Tăng trưởng GDP của các địa phương 5 năm qua đều tăng từ 11 đến 13%, có tỉnh đến 15%, có nhiều huyện, thị còn đạt tốc độ tới 17%. Nghĩa là 64 tỉnh, thành nước ta đều có tốc độ tăng GDP khủng khiếp, thế giới chưa từng có! Nghe những con số này, các nhà kinh tế băn khoăn hỏi: 64 tỉnh, thành tăng trưởng GDP rất cao, tại sao GDP cả nước lại tăng ít hơn?

Từ 15 năm nay, GDP nước ta chưa bao giờ vượt ngưỡng 8,5%. Năm 2005, GDP nước ta đạt 8,4%, một trong những nước cao nhất thế giới. Năm 2008 này, do thiên tai, biến động kinh tế, ảnh hưởng khủng hoảng tài chính Mỹ, dự kiến GDP cả nước chỉ khoảng 7%. Con số đó chỉ bằng nửa tốc độ tăng GDP của nhiều tỉnh! Vậy con số nào là thật?

Vậy GDP là gì? Theo Từ điển kinh tế do Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (1994), thì “GDP là tổng sản phẩm quốc nội, là tổng trị giá tiền tệ của tất cả các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ phát sinh trong một nền kinh tế trong một năm”. Theo định nghĩa trên, thì GDP cả nước sẽ bằng GDP 64 tỉnh, thành cộng với GDP khu vực kinh tế Trung ương.

Nhất định GDP khu vực kinh tế Trung ương bao giờ cũng tăng cao hơn các địa phương vì có ưu thế về vốn, thiết bị, thị trường. Theo cách tính đó thì GDP bình quân của nước ta 5 năm qua phải tăng từ 12 - 15% mỗi năm trở lên, chứ không phải phấn đấu cật lực mới được 7 - 8,4%! Cho nên cách tính GDP của các địa phương đang là vấn đề nghi vấn: Một là thiếu chính xác? Hai là mang nặng bệnh chạy theo thành tích.

Nếu theo tốc độ tăng GDP của các tỉnh nêu, thì nông thôn nước ta đã giàu có lắm lắm, nhưng sự thật lại không phải vậy. Bộ mặt nông thôn, đô thị, cuộc sống nhân dân chẳng biến đổi bao nhiêu so với 5 năm trước! Nhiều con đường ở một số thành phố cấp 1, cấp 2 vẫn ổ voi, ổ gà lởm chởm, mưa xuống là ngập lụt. Nguyên nhân tình trạng đó là do trong “tổng sản phẩm quốc nội” gọi là GDP đó có rất nhiều thứ có trên thực tế, nhưng hiệu quả thì không.

Ví dụ các dự án xây dựng kéo dài, các quy hoạch khu đô thị đã xây cơ sở hạ tầng, nhưng không kêu gọi được đầu tư; rồi các dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả kinh tế như xây chợ mấy năm rồi mà không có người mua bán; đường quốc lộ, tỉnh lộ vừa tốn hàng trăm tỷ đồng xây dựng, nâng cấp, qua một mùa mưa lại hư hỏng, lại đầu tư sửa chữa cũng hơn chừng ấy tiền; thậm chí kinh phí đầu tư để sửa chữa công trình mới thi công xong đã hư hỏng, v.v...

Rồi bao nhiêu nhà máy bao bì xi-măng, nhà máy gạch men sứ, nhà máy đường, xi-măng lò đứng, lò quay, nhà máy tinh bột sắn, xây dựng cảng nước sâu, khu du lịch… thua lỗ triền miên. Tất cả vốn đầu tư không hiệu quả ấy đều được tính hết vào GDP.

Như vậy, tăng GDP mấy năm trở lại đây là nhờ tăng đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án đủ các lĩnh vực, chứ chất lượng cuộc sống của người dân thì không được tăng tương ứng. Càng đầu tư nhiều thì GDP càng cao và tốc độ tăng GDP cũng càng cao, và GDP bình quân đầu người càng tăng, địa phương càng được đánh giá “phát triển cao”. Nhưng GDP đó không phản ảnh được chất lượng phát triển.

Chất lượng phát triển của một địa phương thể hiện ở các chỉ tiêu sau đây: Thặng dư, lợi nhuận bổ sung vốn để tái đầu tư, sản phẩm mới và sức cạnh tranh, khả năng phát triển thị trường trong và ngoài nước, thu nhập thực tế của nhân dân thành thị, nông thôn tạo nên sức mua của xã hội, đặc biệt là môi trường trong sạch. Bây giờ tỉnh nào nếu kiểm tra cũng phát hiện ra những “Vêdan” gây ô nhiễm rất trầm trọng môi trường sinh sống của người dân.
 
Các xí nghiệp công nghiệp, các bệnh viện lớn nhỏ đều thải trực tiếp nước thải ra sông, ao hồ, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Ở miền Trung hiện nay, phần lớn các tỉnh công nghiệp quy mô nhỏ, chắp vá, công nghệ lạc hậu, sản phẩm chất lượng thấp, không có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài.

Tỷ trọng lao động nông-lâm-ngư nghiệp vẫn chiếm trên 70%, lao động thất nghiệp ở nông thôn còn nhiều. Chỉ số GDP bình quân đầu người cả nước được công bố là 650 USD/người/năm, nhưng thực tế thì một tỷ lệ không nhỏ số hộ dân nông thôn 6 miệng ăn mỗi năm làm ra hạt lúa củ khoai, con cá chưa đầy ba bốn triệu đồng, nghĩa là còn sống ở mức nghèo. Nhiều vùng nông thông Việt Nam vẫn trong tình trạng tự cung tự cấp, ít mặt hàng vươn ra thị trường trong nước và quốc tế mà chỉ đóng khung trong địa bàn tỉnh, huyện. Đây mới là vấn đề chủ yếu của sự tăng trưởng GDP.

Việc tính toán GDP của các địa phương cần hướng vào những chỉ tiêu như: Chất lượng cuộc sống người dân, thặng dư, lợi nhuận, sức cạnh tranh, khả năng phát triển thị trường trong và ngoài nước, bảo vệ môi trường; phải điều tra cụ thể thu nhập thực sự của nhân dân thành thị, nông thôn, để giúp Đảng và Nhà nước có một quyết sách đúng đắn, sát thực tế về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, chứ không nên phấn đấu tăng GDP chạy theo thành tích.

Ngô Minh

;
.
.
.
.
.