.
GIÁ CƯỚC VẬN TẢI HÀNH KHÁCH Ở ĐÀ NẴNG

Vì sao xuống chậm?

.

Sau các đợt giá xăng dầu trên thị trường tiếp tục giảm vào các ngày vừa qua, gần như ngay lập tức ở các địa phương khác giá cước vận tải hành khách đều giảm theo. Tuy nhiên, tại thành phố Đà Nẵng cho đến cuối tháng 11 vừa qua vẫn chưa có đơn vị nào thông báo giảm giá cước. Vì sao có sự khác lạ như thế?

Chưa giảm vì…

Đang là mùa thấp điểm, lượng khách đi rất ít, đó cũng là nguyên nhân các đơn vị vận tải chưa vội hạ giá cước để bù lỗ. (ảnh chụp lúc 10giờ ngày 28-11 tại phòng bán vé Bến xe khách Trung tâm).

Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm HTX vận tải Hải Vân cho rằng: Nếu người ngoài ngành nhìn vào dễ nhận xét rằng các đơn vị vận tải ở Đà Nẵng cố tình làm chậm việc giảm giá cước để tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, thực chất sự việc không phải như vậy. Trở lại thời điểm trước 21-7-2008, tức là lúc giá xăng dầu trên thị trường chưa tăng vọt lên gần 20 ngàn đồng/lít xăng, giá cước vận tải của các đơn vị tại thành phố Đà Nẵng đã thấp hơn các đơn vị khác khoảng 10%.

Ví dụ ở thời điểm đó, giá cước vận tải của các đơn vị thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng từ 250 ngàn đến 280 ngàn đồng/vé, Hà Nội đi Đà Nẵng 200 ngàn đồng/vé, Đông Hà đi Đà Nẵng 55 ngàn đồng/vé, trong khi đó, cũng các tuyến đường trên,  xuất phát từ Đà Nẵng và do các đơn vị vận tải Đà Nẵng bán vé, giá luôn thấp hơn.

Cụ thể, giá vé Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh 200 ngàn đồng/vé, Đà Nẵng đi Hà Nội 185 ngàn đồng/vé và Đà Nẵng đi Đông Hà 45 ngàn đồng/vé. Chính vì giá cước thấp hơn mặt bằng chung như vậy, nên khi giá xăng dầu trên thị trường giảm, các đơn vị vận tải khác dễ dàng giảm theo, còn các đơn vị vận tải của Đà Nẵng chưa thể giảm được.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng có một đặc thù so với các tỉnh, thành khác là tỷ lệ xe chạy dầu chiếm gần 95%. Thế nhưng trong 5 đợt giảm giá xăng dầu gần đây, riêng giá dầu chỉ giảm có hai lần, một lần giảm 500 đồng/lít và một lần giảm 1.000 đồng/lít. Theo tính toán của các đơn vị vận tải, nếu cộng hai lần giảm giá dầu lại, giá cước của các đơn vị vận tải Đà Nẵng cũng ở mức tương đương các đơn vị khác sau khi đã giảm giá cước. Đó chính là yếu tố dẫn đến việc các đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn thành phố còn chần chừ, chưa thể giảm giá cước trong thời gian vừa qua.

Qua tìm hiểu của chúng tôi với một số chủ phương tiện ở các tỉnh, thành khác đang có tuyến xe đến Đà Nẵng đều “xác nhận” đó là lý do có thực. Vì hầu hết các đơn vị của Đà Nẵng khi xây dựng khung giá cước đều thấp hơn các đơn vị khác cùng tuyến từ 5-10%, do vậy cũng dễ hiểu nhiều đơn vị của Đà Nẵng chưa thể giảm giá cước trong đợt vừa qua.
 
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những tuyến đường xa, còn một số tuyến đường ngắn từ Đà Nẵng đi Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…, giá cước vẫn có thể giảm ngay sau khi giá xăng dầu giảm, vì giá tương đối cao. Một ví dụ điển hình, giá cước tuyến Đà Nẵng đi Huế hiện nay đang ở mức 350 đồng/vé/km. Với chi phí hiện nay, tính trung bình mức giá cước từ 240-250 đồng/vé/km là phù hợp. Tương tự, các tuyến đi Quảng Nam, Quảng Ngãi… hiện nay cũng đang ở mức 330 đồng/vé/km, còn khá cao so với giá dầu trên thị trường.

Cơ chế nào để xây dựng giá cước vận tải hành khách?

Chuyện điều chỉnh giá cước theo kịp giá xăng dầu trên thị trường đang là vấn đề đau đầu hiện nay của các đơn vị vận tải hành khách. Theo các đơn vị này, Thông tư liên tịch 86/2007/TTLT/BTC-GTVT đã trao cho các đơn vị vận tải quyền tự quyết giá cước của mình, và gần đây cho phép không nhất thiết in tuyến đường đi và giá tiền lên vé, tạo nhiều thuận lợi cho các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, với những sự thay đổi này cũng không thể giúp các đơn vị vận tải tránh sự lúng túng mỗi khi giá xăng dầu trên thị trường tăng hay giảm.

Vì thực tế, có thể sau một đêm, giá xăng dầu trên thị trường đã thay đổi, như thế việc xây dựng giá cước mới và xin phép cơ quan thuế địa phương không thể kịp. Cách tốt nhất là cơ quan chức năng cho phép các đơn vị vận tải được quyền in phần vé phụ kèm theo vé chính nhằm điều chỉnh giá vé kịp thời.
 
Tuy nhiên, cơ quan thuế không nên thu thuế GTGT phần này, vì thực ra đơn vị vận tải tăng hay giảm chỉ ở mức vừa đúng giá xăng dầu trên thị trường đã tăng-giảm, chứ không có lợi nhuận từ phần thu trên. Nếu làm được việc này, theo các đơn vị vận tải, giá cước vận tải hành khách sẽ dễ dàng thay đổi kịp với giá xăng dầu trên thị trường. Như vậy, đơn vị vận tải không gặp khó khăn khi giá xăng dầu tăng hay giảm, và hành khách cũng không bị thiệt.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.