.

Hàng đại hạ giá, không mê mới lạ

.

Mua hàng giá rẻ nhưng phải biết “trả một tiếng”.

Bạn hỏi: “Đi chợ đêm săn hàng giảm giá không?” - “Ủa, Đà Nẵng có chợ đêm à?” - “Thì cứ theo mình. Mà nhớ coi chừng ví tiền, điện thoại”. Tôi theo bạn ra đường Lê Duẩn. Ban ngày, đây là con đường của các cửa hàng lớn, các shop thời trang sang trọng. Đến đêm, cả một đoạn đường trở thành “cái chợ” của vô số hàng giảm giá. Và không ngạc nhiên khi nó trở thành nơi chị em nhà mình mê tít...

Ná thở lựa đồ

Ngược với sự vắng vẻ của các shop thời trang có thương hiệu, những cửa hàng dán tấm băng rôn to đùng với ba chữ “đại hạ giá” luôn nườm nượp khách. Với “15.000 đồng/1cái”, có lẽ khó chị em nào lại cưỡng được sức hấp dẫn. Tôi và bạn cũng không ngoài số đó. Nhìn bốn bức tường của cửa hàng như sắp bị nống ra do lượng người quá đông, tôi định “thối lui”, nhưng đầu nghĩ vậy, chân lại bước vào hồi nào không hay vì mải ngắm mấy bảng giá từ dãy quần Jean trông rất mốt.
 
Ước chừng có khoảng 100 chị em chen chân trong cái không gian nhỏ trên 20 mét vuông của cửa hàng này. Đông đến độ, hở chút có thể lạc nhau và phải dùng đến di động tìm kiếm. Một nhân viên nói: “Đông tới 22 giờ. Mấy hôm nay đều đều vậy. Em thấy họ mua nhiều lắm”. Vừa nói, cô nhân viên vừa lựa size (kích cỡ) cho khách. Một chị đứng kế bên, tay phải cầm chiếc quần giá 89.000 đồng, tay trái lại giơ lên ngắm nghía chiếc khác có giá 275.000 đồng. 

Ba phòng thử đồ luôn trong tình trạng có người xếp hàng dài chờ đợi. Đặc biệt, trong các phòng này, khách hàng chỉ được thay chứ không được ngắm vì không đủ thời gian. Cô nhân viên đứng canh bên ngoài luôn miệng thúc giục: “Ai thay trong đó mà lâu vậy. Mời ra đây có gương ngắm nè”. Những chị đứng bên ngoài nhân tiện đệm vào: “Nhanh lên trời ơi, cho tui thở nữa chứ”.

Hầu như ai vào đây cũng vì giá tiền quảng cáo rất gây tò mò, nhưng vào rồi lại dường như quên mất giữa lời quảng cáo và thực tế khác xa “ngàn dặm”. Những chiếc áo giá đúng quảng cáo 15.000 đồng lại chẳng được mấy người để ý vì quá lỗi mốt.

Trong khi đó, chị em cứ mải mê với những món đồ có giá từ 100 - 200 ngàn đồng (giá gốc 150 - 300 ngàn đồng). Không quen không biết, nhưng bước vào không gian này, bỗng nhiên chị nào cũng luôn miệng luôn tay bàn tán trao đổi chẳng khác bạn bè: “Hạ chi mà lạ ri trời”; “Đôn lên rồi tụt xuống thì có”; “Đã đắt mà còn xấu”; “Thôi đi, so với giá chợ là rẻ rồi đó”…Hầu hết áo quần trong cửa hàng này đều không có thương hiệu và càng không có giá chuẩn. Vì thế, đắt hay rẻ tùy thuộc vào thói quen mua sắm và cách chi tiền của mỗi người.

Trong tranh tối, tranh sáng

Lựa đồ đại hạ giá mệt thiệt mệt mà thích cũng thiệt thích.

 

Sau gần một tiếng đồng hồ sống trong tình trạng thiếu ôxy trầm trọng nhưng thừa sự thích thú, bạn kéo tay tôi ra làm vài vòng chợ đêm. Lề đường Lê Duẩn, đoạn từ ngã tư Ngô Gia Tự đến Nguyễn Thị Minh Khai suốt nhiều ngày qua tấp nập người mua, kẻ bán. Cách đây vài tháng, chỉ có vài hàng áo quần, giày dép lác đác. Nhưng nay, khăn choàng cổ, khẩu trang, dây chuyền, cả thợ may dép, dán điện thoại rồi khoai lang nướng cũng tập trung về một mối.

Chỉ cần một tấm bạt trải xuống đất bày đồ đạc, một cái đèn pin và một đôi chân khỏe để… dọt lẹ khi công an tới là đã có một gian hàng. Ở đây, không hàng nào có tên tuổi vì theo như lời người bán: “Chẳng khác nào khai với công an: “tui đây””. Dãy hàng rào bằng sắt của Bảo tàng Đà Nẵng trở thành cái móc treo với đủ thứ hàng hóa.

Bãi đất trong sân của các cơ quan gần đó trở thành điểm giữ xe “phục vụ khách mua hàng giảm giá”. Gửi xe rồi mà lòng vẫn không yên, nỗi lo lại càng tăng lên khi chúng tôi nghe cô bán hàng nói: “Một đứa mua, một đứa đứng ngoài đường ngó xe. Gửi chi mà gửi”.

Hai bên đường, từng tốp người đi lại, ngó nghiêng dày đặc. Người bán áo ấm liên tục “dọa”: “Áp thấp nhiệt đới tới rồi. Hàng từ đây tới Tết cũng không về nữa. Chừ lựa được không mua, hồi có tiền thì hết đồ”.

Nếu chắc mẩm đi chợ đêm mua hàng giá rẻ thì bạn lầm to. Người bán mặc sức hét giá và không quên nói kèm một câu: “Nói thì nói rứa chứ cứ trả một tiếng”. Đúng là cần phải “trả một tiếng” vì cũng chiếc áo ấm đó tôi mua ở nơi khác có giá 140.000 đồng, ở đây tới 220.000 đồng; áo dạ 300.000 đồng lại được tăng lên thành 500.000 đồng!

Trong tranh tối, tranh sáng, hàng cũ, hàng lỗi đầy rẫy và phải lội bộ muốn mướt mồ hôi, nhưng trông chị em thật hớn hở. Hóa ra, chẳng cần mua được cái áo hàng hiệu mới vui, mua được thứ gì với chị em mình cũng “thật đã”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.