.

Kích cầu hàng nội

.

Lễ Noel và Tết Dương lịch được coi là mùa “bội thu” của các nhà sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng năm nay, mọi chuyện lại diễn ra hoàn toàn trái ngược, sức mua đã giảm hẳn khi người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng.

Hy vọng với các chương trình khuyến mại như thế này, người dân sẽ mạnh dạn hơn trong chi tiêu.
Thông thường vào thời điểm giữa tháng 12 dương lịch, không khí mua sắm hàng hóa để phục vụ nhu cầu Tết tăng mạnh. Nhưng năm nay, nhiều mặt hàng đang trong tình trạng người bán thì nhiều mà người mua chẳng thấy. Dạo quanh các cửa hàng kinh doanh điện tử, điện lạnh, xe máy… trên đường Hoàng Diệu, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, không khí kinh doanh vẫn ảm đạm.

Chị Nguyễn Thi Vân, kế toán trưởng cửa hàng kinh doanh xe máy trên đường Phan Châu Trinh cho biết: Nếu như mọi năm, lượng khách đến mua sắm xe máy ở thời điểm này thường tăng mạnh, thế nhưng năm nay, sức tiêu thụ xe máy hiện đang giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ 2007, thậm chí có hãng xe còn giảm đến 60%.

Không riêng gì các mặt hàng xe máy, điện máy, điện lạnh..., rơi vào tình trạng ế ẩm, mà ngay cả hàng đồ gỗ nội thất cũng vắng khách. Ông Lê Văn Tỵ, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Toàn Phú cho hay: Đối với mặt hàng nội thất như giường, bàn, tủ, ghế... kể cả hàng nội lẫn hàng ngoại nhập, lượng bán ra của công ty năm nay may ra đạt khoảng 80% so với năm ngoái, mặc dù công ty đã tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi kích cầu với khoản kinh phí bỏ ra không nhỏ.

Theo ông Tỵ, sức tiêu thụ giảm là do người dân tiết kiệm chi tiêu hơn so với năm ngoái, một số mặt hàng gần bão hòa khi đa số người dân đã mua sắm rồi. Nếu như hàng hóa được bày bán tại các chợ thường đắt khách hơn so với một số mặt hàng ở siêu thị, bởi giá cả phù hợp với nhiều đối tượng, thế nhưng năm nay, hầu hết tiểu thương đều than vãn vì đã vào mùa kinh doanh cuối năm mà cảnh ế ẩm vẫn kéo dài.

Dịp cuối năm nay, Sở Công thương thành phố đã kêu gọi các DN trên địa bàn tham gia tổ chức “Tháng bán hàng khuyến mãi” diễn ra từ ngày 15-12-2008 đến hết ngày 15-1-2009. Theo dự trù, tổng số tiền thực hiện tháng bán hàng khuyến mại, giảm giá, tặng quà mà các DN dành cho người tiêu dùng sẽ lên đến gần 10 tỷ đồng. Hơn nữa, nguyên liệu đầu vào của một số mặt hàng cũng đang giảm mạnh, vì vậy, một số mặt hàng đang giảm giá là điều hiển nhiên. Khi hàng hóa giảm, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Để “kích” sức mua trong dịp Tết năm nay, ngoài các chương trình giảm giá, khuyến mãi, các nhà sản xuất, nhà kinh doanh cần phải tổ chức tốt hệ thống phân phối, đặc biệt là mạng lưới bán lẻ để bảo đảm nguồn hàng tiêu dùng trong dịp lễ cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả và chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại và đầu cơ nâng giá tùy tiện, nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

 

Mới đây, Bộ Công thương đã có kế hoạch cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động Chiến dịch “Dùng hàng Việt Nam”.
 
Trong đó, phối hợp các nhà phân phối lớn tổ chức Tuần lễ, hoặc Ngày tiêu dùng hàng Việt Nam; đồng thời yêu cầu các trung tâm bán lẻ và siêu thị tăng cường tỷ trọng hàng sản xuất trong nước, có các chính sách ưu đãi với các đơn hàng thanh toán có tỷ trọng hàng nội địa ở mức cao, thỏa thuận với các nhà cung cấp để hài hòa chuỗi giá trị, thống nhất mức giá hợp lý, góp phần kích thích tiêu dùng.

Các tổ chức doanh nghiệp phối hợp với các nhà sản xuất trong nước sử dụng các phiếu mua hàng, thẻ giảm giá trong dịp Tết thay cho việc thưởng tiền mặt vào cuối năm.

 

Bài và ảnh:DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.