Khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát đã làm cho nền kinh tế trong nước chùng xuống. Trong bối cảnh ấy, kinh tế thành phố Đà Nẵng năm 2008 đã có những tác động nhất định song vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng ở một số nhóm ngành kinh tế có thế mạnh.
Vượt lên gian khó
Sản xuất công nghiệp cần đầu tư mạnh để có thêm nhiều sản phẩm mới. |
UBND thành phố cấp bổ sung 100 tỷ đồng Quỹ đầu tư phát triển, nâng tổng vốn lên 200 tỷ đồng. Thông qua kênh vốn này, một số DN đã duy trì sản xuất, tăng sản lượng xuất khẩu đối với DN chế biến thủy sản. Một khoản chi thường xuyên với giá trị trên 1.458 tỷ đồng kịp thời điều tiết nền kinh tế với việc trợ giá, nhất là trợ giá về lương thực, thực phẩm, đầu tư xây dựng cơ bản... nhằm thực hiện nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Từ các nguồn vốn, kênh vốn trên, kinh tế thành phố đã duy trì sự phát triển với mức tăng trưởng ước tăng 11% so với năm 2007; giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ước đạt 11.388 tỷ đồng, tăng 17,6%. Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, năm 2008, có 2.105 DN đăng ký kinh doanh mới với tổng vốn 7.462 tỷ đồng, trong đó DN cổ phần hóa tuy chiếm 17,9% về số DN nhưng chiếm đến 69,9% về số vốn đăng ký kinh doanh; khối kinh tế dân doanh đạt giá trị sản xuất 3.340 tỷ đồng, tăng 66,8%. Có 15% DN vừa và nhỏ gặp khó khăn.
Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang dần được khẳng định vai trò với giá trị sản xuất 2.260 tỷ đồng, tăng 37,6%. Các DN nước ngoài như các công ty Daiwa, Mabuchi Motor, Việt Hoa... đã có thị trường ổn định nên duy trì sản xuất và tăng sản lượng.
Mảng hoạt động thương mại-dịch vụ được đánh giá là sôi động với tốc độ tăng trưởng 15%, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 17.787 tỷ đồng. Hoạt động du lịch khởi sắc với việc thành phố chủ động tổ chức những sự kiện lớn, đặc biệt là cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế lần đầu tiên, đã tạo cơ hội phát triển và tăng trưởng trong một số lĩnh vực như dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn…
Lượng du khách đến Đà Nẵng đạt xấp xỉ 1,3 triệu người, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 17%, góp phần đem lại nguồn thu du lịch với doanh số 810,9 tỷ đồng. Sự vươn lên của ngành du lịch được đánh giá cao bởi cơ sở hạ tầng đang được quan tâm đầu tư và đi dần vào hoàn thiện, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đang được định hình về thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng. Trong năm 2008, thành phố có thêm 2 khách sạn tiêu chuẩn 3-4 sao được đưa vào khai thác, gồm khách sạn Green Plaza, khách sạn Phương Nam.
Trong nhóm các ngành kinh tế có tính khu vực như giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, ngân hàng đã thực sự làm vai trò trung tâm. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 48 chi nhánh tổ chức tín dụng với tổng dư nợ đạt 27.100 tỷ đồng; hoạt động của các DN bưu chính - viễn thông đáp ứng tốt về nhu cầu thông tin liên lạc.
Nền tảng cho sự phát triển kinh tế thành phố trong năm qua là bước đầu khai thác hiệu quả về hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư mới với việc hàng loạt công trình được hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 có sự chuyển hướng về các công trình phục vụ dân sinh, đáp ứng nhu cầu bức thiết và thiết thực của nhân dân như nhà ở xã hội, công viên, trường học, đường giao thông, hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị mới.
Những thách thức
Điều đầu tiên phải nói đến là nền công nghiệp thành phố. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, một số ngành và sản phẩm tăng trưởng thấp như chế biến thủy sản, giày, xe máy, xuất bản. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất nhóm sản phẩm chủ lực đạt thấp, chưa có nhiều sản phẩm mới và giá trị gia tăng cao. Lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như cơ khí, nhựa cao cấp, linh kiện điện tử, phụ tùng xe máy, ô-tô… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế thành phố.
Một số DN Trung ương dù chiếm gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng lại chậm đầu tư mở rộng, chưa tạo ra năng lực mới và một bộ phận chuyển sang cổ phần hóa như Công ty Xi-măng Hải Vân, Công ty Xây dựng giao thông 325, Công ty Xây lắp 96,... nên đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt giá trị 905,1 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa 545,1 triệu USD. Theo đánh giá về tình hình công tác năm 2008 (Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 12 mở rộng) cho biết: “Hoạt động xuất khẩu của thành phố vẫn khó khăn, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp, gia công là chủ yếu nên hiệu quả xuất khẩu không cao”.
Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận định: Hoạt động xuất khẩu chưa tương xứng tiềm năng. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực trước đây như giày thể thao, đồ chơi trẻ em, dệt-may... giảm hoặc tăng thấp. Hoạt động xuất khẩu chỉ quẩn quanh với các nguồn hàng từ những DN như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, Tổng Công ty Foodinco, Công ty cổ phần Thủy sản-Thương mại Thuận Phước, Công ty cổ phần Procimex, Công ty TNHH Phước Tiến… Nguồn hàng xuất khẩu trong khu vực và qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây vẫn còn bỏ ngỏ.
Sức thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt thấp về tiến độ giải ngân. Dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 140 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2,569 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn thực hiện chỉ đạt 1,04 tỷ USD. “Mặc dù vốn đầu tư đăng ký tăng lên nhưng việc triển khai dự án còn chậm. Số lượng dự án tăng song số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn vào thành phố còn ít.
Tình trạng nhà đầu tư đăng ký chiếm chỗ mặt bằng còn diễn ra. Đặc biệt, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với luận chứng kinh tế kỹ thuật của dự án nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai xây dựng”. (Nguồn Sở Kế hoạch - Đầu tư).
Những tác động về tình hình lạm phát, khủng hoảng tài chính, biến động thị trường sau khi gia nhập WTO đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế thành phố. Việc chưa tạo ra nguồn sản phẩm công nghiệp chủ lực rõ nét và mang tính ổn định, chậm phát triển sản phẩm mới là trở ngại trong phát triển kinh tế. Điều này nói lên chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững mà đây lại là mục tiêu cần hướng đến trong năm 2009.
Mảng kinh tế nông-lâm-thủy sản chưa thật sự chuyển biến khi giá trị sản lượng đã giảm 6,4% so với năm 2007, đặc biệt kinh tế biển vẫn chưa phát triển mạnh. Do vậy, nhiệm vụ đầu tiên của năm 2009 trong phát triển kinh tế mà thành phố đã xác định là tập trung phát triển công nghiệp, thủy sản-nông-lâm và phát triển kinh tế biển để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ, tăng cao tỷ trọng vốn thực hiện đầu tư từ tất cả các thành phần kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
|