Chỉ còn hơn ba tuần lễ là kết thúc năm cũ. Thị trường hàng hóa đã bắt đầu nhộn nhịp. Mặc dù giá xăng, dầu và nguyên liệu, dịch vụ khác đã giảm nhẹ, nhưng nhiều nhận định trong thời gian tới, một số mặt hàng thiết yếu sẽ có đợt tăng giá mới, nếu thị trường không được kiểm soát chặt chẽ.
Tết đến, giá gạo ngon có tăng? |
Ở nhiều mặt hàng khác như cá, thịt, sức tiêu thụ tăng trở lại sau một thời gian ảnh hưởng của thời tiết. Đến nay, giá một số mặt hàng này đã tăng hơn các tháng trước. Thịt heo nạc từ 70-80.000 đồng/kg (giá tháng 9: 65-70.000 đồng), cá thu loại 1 từ 90-120.000 đồng/kg (80-110.000 đồng), tôm 80-100.000 đồng/kg (60-80.000 đồng), dầu ăn Neptuyn 34.000 đồng/lít, mì ăn liền A.One 80.000 đồng/thùng... Một số siêu thị trên địa bàn như Intimex, Bic C, Metro, Bài Thơ Rosa, các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày chỉ giảm giá nhờ chương trình khuyến mãi.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y, lượng gia súc, gia cầm trong lò mổ Đà Sơn và các lò mổ tập trung khác sáng ngày 3-12, đã có khoảng 850 con heo, gần 100 con bò, 2.500 con gà được đưa ra thị trường. Con số này trong dịp Noel và Tết Dương lịch được dự báo sẽ tăng thêm 20-25%.
Riêng các mặt hàng rau, củ, quả tăng mạnh sau hơn một tháng ảnh hưởng của mưa bão, giá cao gấp 2-3 lần so với các tháng hè. Cụ thể, rau muống 5.000-6.000 đồng/bó (giá cũ 2.000 đồng), bầu tươi 7.000 đồng/kg (5.000 đồng), đậu cô-ve 15.000 đồng/kg (10.000 đồng), cà chua 10.000 đồng/kg (8.000 đồng), khoai tây, cà-rốt Đà Lạt 10.000 đồng/kg. Ban Quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho hay:
Trong vòng 10 ngày nay, lượng rau, củ, quả về chợ giảm đáng kể, dẫn tới giá cả tăng đột biến. Trước đây, một ngày trung bình có khoảng trên 100 tấn hàng về, nhưng hiện tại số lượng rau, củ giảm còn một nửa. Nhất là lượng rau phía Bắc chỉ chiếm 30%, số còn lại là hàng từ Trung Quốc.
Những sức ép về giá cả tạm thời lắng lại sau một thời gian Chính phủ triển khai một số biện pháp cấp bách về bình ổn thị trường. Mặt bằng giá cả mới nhìn vào có vẻ ổn định, nhưng thực tế đang tăng ngầm.
Có thể thấy, sự sụt giảm về số lượng một vài mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống qua hơn một tháng trở lại đây, cộng với sức mua trong dịp cuối năm này, báo hiệu giá cả sẽ tăng trở lại. Kinh nghiệm của một số thương lái cũng cho thấy, hàng hóa tăng giảm giá thất thường là do nhà buôn đã tự điều chỉnh lượng hàng cung ứng từ các tỉnh. Chẳng hạn, khi nhà buôn từ Bình Định, Phú Yên, hoặc phía Bắc chưa kịp đánh xe chở hàng về Đà Nẵng vì sự cố, thì ngay trong ngày hôm đó, thị trường Đà Nẵng đã có sự tăng giá nội bộ.
Ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: “Các loại hàng thiết yếu như gạo, thịt, dầu ăn phục vụ cuối năm không thiếu, vì nhiều nhà cung cấp đã có kế hoạch cung ứng đủ lượng. Về giá cả, có thể tăng là điều dễ nhận thấy vì ngày thường, sức mua của người dân Đà Nẵng vốn dè dặt, nhưng khi trúng vào các dịp lễ, Tết thì tăng lên đáng kể, khiến cho giá cả một số mặt hàng ăn theo”.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, trong thời gian qua và nhất là thời điểm giáp Tết, ông Lê Ngọc Duyên, Giám đốc Công ty Quản lý các chợ cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương mua bán văn minh, thực hiện theo quy định của thành phố; đồng thời công ty cũng phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý những hộ vi phạm...” .
Đợt tăng giá cuối năm bao giờ cũng tuân theo quy luật thị trường, nhưng tăng trong bối cảnh giá xăng dầu đã giảm khá nhanh trong vòng hai tháng qua, ít nhiều sẽ tác động đến thị trường theo hướng không tích cực. Để giá cả tăng, giảm hợp lý, tránh tình trạng “mua tăng, bán cũng tăng”, ảnh hưởng tới đời sống của bộ phận lao động nghèo, người dân chỉ còn trông chờ vào các biện pháp quản lý của Nhà nước, cũng như biện pháp tức thời của cơ quan chức năng địa phương.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH