.

Ngần ngại vay vốn đi xuất khẩu lao động

.

Những năm qua, chương trình vốn vay xóa đói giảm nghèo đã giúp không ít hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thế nhưng, nằm trong số các chương trình vốn vay xóa đói giảm nghèo, một số địa phương lại gặp “sự cố” giải ngân vốn cho vay đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) do... bí đầu ra. 

Nhiều lao động chọn hướng làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (ảnh chụp tại Công ty Keyhinge Toys) hơn là đi xuất khẩu lao động.

Nằm trong diện đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi đi XKLĐ từ NHCSXH, gia đình ông Phan Lào, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng cho con đi XKLĐ tại Malaysia. Sau một năm kiếm sống tại nước ngoài, số tiền thu được rất ít so với đi XKLĐ tại Hàn Quốc, Nhật Bản... Nhưng ngồi nghĩ lại, ông Lào đã nhận ra rằng, từ ngày có con đi làm việc ở nước ngoài, cuộc sống của gia đình ông đã dần thay đổi.

Ông Lào kể: Lúc trước, cán bộ NHCSXH huyện đến thôn động viên từng gia đình chính sách, gia đình nghèo khó nên vay vốn đi XKLĐ để thoát nghèo. Lúc đó chẳng gia đình nào dám vay vốn, vì sợ các công ty đưa người đi lao động nước ngoài theo kiểu “đem con bỏ chợ” như báo, đài đã thông tin trong thời gian qua.
 
Có chút vốn tích góp, cộng với 15 triệu đồng từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Hòa Vang, gia đình tôi quyết định đầu tư cho con đi XKLĐ tại Malaysia. Dẫu biết làm việc tại nước này lương không cao, nhưng tính về thu nhập cũng gấp cả chục lần so với làm ở nhà. “Hơn một năm làm việc tại nước ngoài, con tôi cũng gửi về được chút tiền để trả bớt nợ ngân hàng và mua sắm được một số đồ dùng sinh hoạt như  ti-vi, đầu máy, xe máy…”, ông Lào khoe.

Nếu tất cả các gia đình nghèo khó được vay vốn ưu đãi và được suôn sẻ khi đi XKLĐ như gia đình ông Lào, sẽ chẳng có gì phải bàn đến. Bởi trên thực tế, đã có không ít trường hợp trong diện khó khăn được vay vốn ưu đãi đi XKLĐ đã bị đẩy vào thế ở lại chẳng được mà về nước thì ái ngại.

Anh T., (quận Liên Chiểu) được NHCSXH quận cho vay hơn chục triệu đồng, cộng với số tiền tích góp làm ăn có được, anh chọn cách đổi đời bằng đi XKLĐ tại Malaysia. Thế nhưng, sau một năm lao động cực nhọc tại đất khách, anh T. đã tằn tiện, nhưng cũng chẳng dành dụm được đồng nào gửi về nhà, bởi công việc không ổn định. Thấy bất ổn, anh T. buộc phải về nước trước thời hạn và đành cắn răng ôm cục nợ của ngân hàng.

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang cho biết: Sau khi NHCSXH áp dụng mức vay tối đa lên 30 triệu đồng đi XKLĐ, nhưng xem ra chuyển biến cho vay từ chương trình này vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan. Nếu như năm 2006, tổng dự nợ vốn vay XKLĐ trên địa bàn huyện đạt 585 triệu đồng, thì năm 2007 giảm xuống còn 474 triệu đồng và 10 tháng đầu năm 2008 còn lại 387 triệu đồng.

Tổng dư nợ giảm dần là do các hộ đã vay đi XKLĐ làm ăn được trả nợ dần, thế nhưng số hộ thuộc diện được vay lại không tăng (qua 3 năm chỉ 36-40 hộ). Cũng như huyện Hòa Vang, NHCSXH quận Liên Chiểu cũng bị “mắc kẹt” trong việc giải ngân chương trình vốn vay XKLĐ. Theo ông Sơn, Giám đốc NHCSXH quận Liên Chiểu, đến thời điểm này, ngân hàng mới giải ngân được 512 triệu đồng cho 31 đối tượng.

Mặc dù cán bộ của ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, vận động các gia đình thuộc diện ưu tiên nên vay vốn đi XKLĐ, thế nhưng nhiều gia đình còn ngần ngại vay vì họ cho rằng đi làm việc tại Malaysia, Đài Loan… thu nhập không cao mà rủi ro lại khó lường. Mặt khác, năm 2008, một số thị trường ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam nên XKLĐ trong năm nay càng trở nên ảm đạm hơn so với những năm trước. Theo ông Sơn, hiện nay lao động ở các vùng nông thôn rất khó đi thị trường có thu nhập cao vì trình độ tay nghề, ngoại ngữ hạn chế, chi phí lớn, trong đó vốn vay lại có hạn. Còn đi thị trường có thu nhập thấp thì họ cho rằng, “nếu đi “xuất ngoại” mà làm ăn được vài triệu đồng thì nên ở nhà làm còn hơn”.

Để kích cầu hoạt động XKLĐ, đặc biệt tạo cơ hội cho người nghèo đi XKLĐ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, theo ông Chiến, các cấp, các ngành cùng chính quyền địa phương và NHCSXH cần hỗ trợ lao động thuộc các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đào tạo nghề, vay vốn… và quan trọng là các DN đưa người đi lao động nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thị trường, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra đối với người lao động.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.