.

Nghịch lý chăn nuôi

.

Chưa bao giờ người chăn nuôi bi quan như thời gian này. Họ đang phải đối mặt với nghịch lý giá đầu vào liên tục tăng, giá bán không tăng bao nhiêu. Nuôi tiếp thì thua lỗ. Không nuôi thì lãng phí cơ sở hạ tầng đã đầu tư.

Thịt đà điểu khó tiêu thụ, người nuôi đang rất khó khăn.

Cơ sở nuôi heo siêu nạc của Công ty Thực phẩm Ngon sạch bổ (NSB) tại thôn Nam Thành, xã Hòa Phong (Hòa Vang) liên tục nhiều năm làm ăn có lãi. Đó là thời kỳ giá thức ăn 4.500 đồng/kg, thịt heo hơi giá 23 nghìn đồng/kg. Bước sang năm 2008, tình hình khác hẳn. Giá thức ăn 7.500-8.000 đồng/kg, trong khi giá thịt chỉ nhích thêm 5 nghìn đồng/kg, nhưng đâu dễ bán. Có khi heo quá lứa nhiều tuần vẫn chưa xuất chuồng, cứ phải nuôi theo kiểu cầm cự.
 
Hiệu quả kinh tế thấp, nhân công làm việc tại trại giảm từ 6 người xuống còn 2 người. Ông Huỳnh Ngọc Lanh, cán bộ phụ trách cơ sở chăn nuôi này cho hay: Mấy năm trước, nuôi heo làm giàu không khó. Còn nay, cơ sở đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan,  “bỏ thì thương, vương thì nặng”. Không lẽ cơ ngơi đầu tư tiền tỷ bỏ không, tiếp tục nuôi may lắm hòa vốn, lớ ngớ bị lỗ. Thức ăn lên giá là tất nhiên, nhưng nghịch lý ở đây là giá đầu vào tăng, giá đầu ra tăng không tương xứng.

Chăn nuôi theo quy trình công nghiệp bị thua lỗ như vậy, liệu chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình có trụ vững? Cũng như các trang trại lớn, thu nhập thấp đã làm cho nông dân không còn mặn mà với chăn nuôi như trước. Gia đình ông Nguyễn Xuân, ở thôn Túy Loan Tây 2, là hộ nuôi heo nái có tiếng. Đợt dịch heo tai xanh năm ngoái, mấy con nái to qua khỏi.

Sau bận đó, ông không nuôi heo nữa.  Ông cho hay: Ở thôn này chẳng còn mấy hộ nuôi heo. Nói là ở nông thôn nhưng thức ăn từ bó rau đến cân cám, bắp đều phải mua. Bó rau lang trước đây chỉ vài ba nghìn nay 10 nghìn, trong khi giá thịt heo hơi tăng chẳng là bao. Có khi đến lúc xuất chuồng, chẳng ai mua cho. Tốt nhất là dẹp chuồng, làm việc khác.

Không chỉ heo, gà liên tục đối mặt với thất bát do nghịch lý về giá cả mà nuôi đà điểu cũng không tránh khỏi bị thua lỗ, đang bị thịt ngoại nhập o ép, không chiếm lĩnh được thị trường tại chỗ. Nói về xuất khẩu thì xa vời. Nếu có xuất được thì phải chấp nhận giá rẻ mạt và như vậy cũng không tránh khỏi lỗ nặng. Thịt không tiêu thụ được, đà điểu phải nuôi, ngày nào cũng tiêu tốn thức ăn mà không thể tăng trọng thêm được nữa, đang làm người nuôi đà điểu đứng ngồi không yên.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng cho hay: Giá thức ăn tăng gấp đôi. Thịt đà điểu vẫn chưa tiếp cận với thị trường. Mỗi ngày trang trại phải tốn khoảng 20 triệu đồng cho mọi chi phí. Tại siêu thị bán đầy thịt đà điểu từ nơi khác về. Nghịch lý này đang đẩy các doanh nghiệp chăn nuôi tiến dần đến phá sản…

Người chăn nuôi mong muốn các cơ quan chức năng có chủ trương hạn chế thấp nhất nhập thịt gia súc gia cầm, có chính sách hỗ trợ kích cầu chăn nuôi trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thịt ngoại nhập.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.