.

Ngũ Hành Sơn, một đại công trường

.

Năm 2008, quận Ngũ Hành Sơn như một đại công trường khi nơi đây có hơn 50 dự án đang triển khai xây dựng. “Công trình triển khai thi công rầm rộ, cả hệ thống chính trị của quận, phường đều vào cuộc để tham gia giải phóng mặt bằng, lo chuyện bố trí tái định cư, giải quyết các kiến nghị của người dân vùng giải tỏa, quản lý quy hoạch” - ông Huỳnh Đức Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết như vậy.

 Bệnh viện Đa khoa mới đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Hiện các dự án đầu tư triển khai tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn phục vụ cho nhiều dự án khác nhau. Nhóm dự án phát triển du lịch có 24 dự án với 580,5ha ; tái định cư và xây dựng đô thị mới có 36 dự án, diện tích 1.512ha; thương mại - dịch vụ 31 dự án với 197,2ha; phát triển hạ tầng giao thông có 6 dự án với tổng chiều dài 22,9km.

Với việc xác định công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm nên trong năm 2008, quận Ngũ Hành Sơn đã bàn giao trọn diện tích mặt bằng cho chủ đầu tư với 5 dự án như Bệnh viện Đa khoa mới, khu du lịch Địa Cầu, dự án P&I Nhật Bản, Khu du lịch Hà Nội, dự án tái định cư Hòa Hải mở rộng. Các dự án có quy mô, diện tích lớn đã bàn giao 50% diện tích đất thu hồi.

Trong những ngày này, công trình nâng cấp mở rộng đường Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa đang được khẩn trương thi công. Dự án có đến 1.072 hộ giải tỏa, hiện đã có 285 hộ bàn giao mặt bằng. Dự án sân golf  Hòa Hải có 465 hộ giải tỏa, trong đó 375 hộ đã bàn giao mặt bằng và di dời 4.500 ngôi mộ. Dự án khu tái định cư Tân Trà có 323 hộ, 177 hộ đã bàn giao mặt bằng. Hiện giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật để bố trí tái định cư thực tế cho dân.

Trong năm 2008, đã có trên 3.000 hộ phải di dời giải tỏa, trong đó 50% số hộ được bố trí đất ở tái định cư. Để bảo đảm ổn định cuộc sống người dân và giao đất cho chủ đầu tư, quận Ngũ Hành Sơn đã chủ động phối hợp với các Ban giải tỏa đền bù thực hiện xét tính pháp lý về các hồ sơ nhà đất  và bố trí tái định cư cho nhân dân bị giải tỏa. Hằng tuần, quận đều tổ chức tiếp dân để giải quyết vướng mắc và đề xuất với thành phố giải quyết thỏa đáng. Vai trò của Ban vận động giải tỏa đền bù do Quận ủy thành lập phát huy hiệu quả nên đã hạn chế thấp nhất những trường hợp chây ỳ, cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất phải cưỡng chế.

Người dân phường Mỹ An giải tỏa nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho dự án du lịch ven biển.

Theo ông Huỳnh Đức Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong công tác giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là có quá nhiều đơn vị thực hiện nhiệm vụ đền bù giải tỏa và tái định cư nên quận gặp khó khăn về quản lý, điều hành, nhất là việc bố trí tái định cư thực tế cho người dân. Trong thời gian qua, Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng là đơn vị có năng lực quản lý dự án, tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ các dự án.

Ông Trần Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, một số dự án tiến độ thi công quá chậm như dự án Khu đô thị Phú Mỹ An, một số khu du lịch ven biển. Ngoài ra, việc chưa triển khai thi công dự án Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, gây bức xúc trong nhân dân. Việc bố trí đất thực tế tái định cư cho hộ giải tỏa quá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung trong giải phóng mặt bằng. Hạ tầng tái định cư còn kém, chưa đồng bộ và việc khớp nối giao thông chưa bảo đảm kỹ thuật, gây ra tình trạng ngập úng.

Năm 2009, quận Ngũ Hành Sơn sẽ tập trung thực hiện giải tỏa đền bù các dự án trọng điểm như nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Hiến, dự án khu số 4 Nam cầu Tuyên Sơn và các khu tái định cư Tân Trà, Đông Trà, FPT. “Quận không ngại khó trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng lo nhất là các dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như sửa chữa, xây dựng nhà ở mới, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất…”, ông Huỳnh Đức Đình nói.
           
 
MỘT SỐ THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ QUẬN NGŨ HÀNH SƠN NĂM 2008

* Tổng giá trị sản xuất đạt 282,02 tỷ đồng, tăng 7,16% so với năm 2007.

Trong đó:

Ngành dịch vụ - du lịch đạt 86,50 tỷ đồng, tăng trưởng 44,2%.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 158,93 tỷ đồng, tăng 1,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 346 tỷ đồng, tăng 44,17%.

Tổng thu ngân sách 40,670 tỷ đồng, đạt 149,91% kế hoạch thành phố giao.

Đầu tư 19 tỷ đồng phát triển đô thị với 55 công trình, trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 40 công trình.

N.P (Tổng hợp)

 
            
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG
                   

;
.
.
.
.
.