.

Nội lực Thanh Khê

.

Cách đây hơn 10 năm, khi mỗi mùa mưa đến, muốn vào UBND phường Thạc Gián - một phường ở trung tâm thành phố Đà Nẵng - để công tác, chúng tôi phải đi bằng thuyền vì nước ngập. Nhắc về Thạc Gián, người ta khó có thể quên được bàu Thạc Gián, nơi ô nhiễm môi trường trầm trọng, nơi phát sinh của đói nghèo và dịch bệnh. Nhắc về Thanh Khê, người ta khó có thể quên được những địa danh, những vùng đất nghèo nàn và lạc hậu, về các tệ nạn xã hội tại xóm Mía, xóm Tre…

 Một trong những khu phố buôn bán sầm uất bên hồ Thạc Gián.        Ảnh: VĂN HOA

Đó là Thanh Khê của ngày hôm qua, là ký ức của nhiều gia đình một thời đói nghèo và vất vả. Khi đường Phan Thanh (phường Thạc Gián) - con đường đột phá khẩu đầu tiên theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của thành phố Đà Nẵng được khai thông, và đặc biệt là khi đại lộ Nguyễn Văn Linh hình thành - đã mở ra cho Thạc Gián, cho Thanh Khê một diện mạo mới về một đô thị văn minh và hiện đại.
 
Vùng đất bàu hồ đầy cỏ dại, ao tù, 4 mùa ô nhiễm, ốm đau và bệnh tật ngày nào không còn nữa, thay vào đó là những đại lộ, những khu phố buôn bán sầm uất, mà mỗi lần khách rời Sân bay Quốc tế Đà Nẵng vào trung tâm thành phố đều ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng và kỳ diệu qua mỗi tháng ngày. Cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, cộng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa như: nằm trên đầu mối giao thông liên vùng quan trọng, là cửa ngõ ra, vào thành phố, có sân bay quốc tế, có cảng hàng không, nhà ga đường sắt, có bờ biển nối liền với cảng biển, có con người dám nghĩ, dám làm… đã tạo ra nguồn nội, ngoại lực để hình thành nên một Thanh Khê mới như hôm nay.

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo quận Thanh Khê chuyển cơ cấu kinh tế của quận từ hướng: “Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; Thương mại-dịch vụ; Thủy sản-nông nghiệp” (Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VII) sang cơ cấu kinh tế: “Thương mại-dịch vụ; Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; Thủy sản” (Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VIII và IX); trong đó lấy mục tiêu phát triển CN-TTCN, thương mại-dịch vụ làm hướng ưu tiên, coi hải sản là ngành mũi nhọn… Với định hướng chiến lược đúng về kinh tế  cộng với việc tạo môi trường thông thoáng, đã đưa nền kinh tế Thanh Khê phát triển khá toàn diện và tương đối vững chắc.

Thương mại - dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn (47,5%) và tăng trưởng nhanh trong cơ cấu kinh tế của quận, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 11%. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển với tốc độ nhanh.
 
Tính đến năm 2007, trên địa bàn quận đã có 10.775 cơ sở, với tổng số vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.856 lao động; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra năm 2007 là 5.576 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 16%; năm 2008 là 7.400 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm, tăng 35% so với cùng kỳ. Đến Thanh Khê bây giờ dễ dàng nhận thấy mạng lưới kinh doanh phân bố đều và rộng khắp, nhiều tuyến đường đi vào hoạt động ổn định như Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn… với nhiều loại hình dịch vụ cao cấp phát triển nhanh như:

 Sản xuất CN-TTCN - thế mạnh của quận Thanh Khê.

Siêu thị, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn, xe tải khách chất lượng cao…Nhiều khu phố hình thành mô hình phố liên doanh như chợ ẩm thực, chợ hoa - cây cảnh, hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu và các chợ được cải tạo nâng cấp, đầu tư mới đưa vào sử dụng theo quy hoạch phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất; văn minh thương mại ngày càng được cải tiến, chất lượng, chủng loại hàng hóa đa dạng, phong phú… góp phần tăng tỷ trọng ngành và tạo môi trường thuận lợi phát triển TM-DV trên địa bàn.

Về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, nhờ có định hướng đúng, các thành phần kinh tế đẩy mạnh sản xuất theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực có tính cạnh tranh cao. Trong năm 2007 có trên 10.000 cơ sở, với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, tốc độ tăng vốn bình quân hằng năm là 15%; giải quyết việc làm cho hơn 10.600 lao động và đã có một số sản phẩm công nghiệp mới có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất cạnh tranh trên thị trường như sản phẩm may mặc, bao bì giấy, nhựa, mây tre, mộc xuất khẩu.

Chỉ tính riêng trong năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 450 tỷ đồng, trong đó có một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngành xây dựng đã khẳng định được mình bằng những sản phẩm, công trình bảo đảm chất lượng và uy tín, vươn ra hoạt động tại các địa phương khác trên toàn quốc và một số nước bạn láng giềng…

Ngành thủy sản mặc dù thời gian qua phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách do thiên tai, giá nhiên liệu tăng cao… nhưng vẫn là thế mạnh của quận trong việc phát triển đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ. Thanh Khê có đội tàu mạnh với tổng số vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, gồm 198 chiếc, tổng công suất 27.184 CV, chiếm 60% tổng số tàu đánh bắt xa bờ của thành phố, đạt sản lượng khai thác hằng năm hơn 18.000 tấn, vừa góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm trên 3.000 lao động trong và ngoài địa phương, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển…

Rõ ràng, với một định hướng đúng về kinh tế của lãnh đạo quận Thanh Khê cộng với việc phát huy tốt nguồn nội lực tại chỗ đã tạo đà cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn không ngừng phát triển, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh.

Tại Hội nghị tuyên dương các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội quận Thanh Khê nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) vừa qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính nhờ làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện theo mô hình “một cửa”, nhất là trong lĩnh vực công khai các chính sách thuế, đăng ký kinh doanh, ký chuyển vay vốn, hợp đồng mặt bằng, thu hút đầu tư… đã tạo ra bước đột phá quan trọng và  tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân, qua đó đã có tác động tích cực về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để kinh tế Thanh Khê phát triển bền vững theo hướng hội nhập quốc tế…

 
MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA QUẬN THANH KHÊ ĐẠT ĐƯỢC TRONG NĂM 2008

- Tổng thu ngân sách Nhà nước: ước đạt 174,5 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch.
- Tổng chi ngân sách Nhà nước: ước thực hiện 197,9 tỷ đồng, đạt 135% dự toán.
- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa-dịch vụ: ước thực hiện 7.400 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm.
- Giới thiệu và tạo việc làm mới 6.950 lao động, đạt 100,07% kế hoạch.
- Giảm hộ nghèo: 712 hộ, đạt 101,7%.
- Tuyển gọi công dân nhập ngũ: đạt 100% chỉ tiêu.

 

 
MỘT SỐ CHỈ TIÊU KINH TẾ-XÃ HỘI CHỦ YẾU NĂM 2009 CỦA QUẬN THANH KHÊ

- Thu NSNN: 189,586 tỷ đồng, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2008.
- Chi NSNN: 181,917 tỷ đồng, giảm 8% so với ước thực hiện năm 2008.                         
- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa-dịch vụ: 8.200 tỷ đồng, tăng 11% so với ước thực hiện năm 2008.
- Giá trị SXCN-TTCN: 704 tỷ đồng, tăng 16% so với ước thực hiện năm 2008.
- Giá trị sản xuất hải sản: 193 tỷ đồng, tăng 15% so với ước thực hiện năm 2008.
- Kim ngạch xuất khẩu: 23.500.000 USD, tăng 43% so với ước thực hiện năm 2008.
- Giới thiệu và tạo việc làm mới: 7.000 lao động.
- Giảm hộ nghèo (theo chuẩn mới): 1.300 hộ.
- Tuyển gọi công dân nhập ngũ: đạt 100% chỉ tiêu thành phố giao.

 

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.