.

Phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững

.

Nếu là một người dân Đà Nẵng, chắc hẳn ai cũng nhận thấy, thời gian gần đây, Đà Nẵng thay đổi rất nhiều, từ diện mạo đô thị đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng không có cái ồn ào, náo nhiệt, tấp nập như thành phố Hồ Chí Minh, không có cái trầm lắng, nét cổ điển như Hà Nội mà Đà Nẵng có sức trẻ, sự năng động và những nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Một đô thị văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm tính bền vững. Ảnh: VĂN PHƯƠNG

Tuy chỉ mới thay da đổi thịt trong hơn mười năm trở lại đây nhưng Đà Nẵng đã từng bước khẳng định được vị trí trung tâm của mình ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với những lợi thế về mặt địa lý, tiềm năng kinh tế, năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, Đà Nẵng có thể tự tin vững bước trong quá trình phát triển chung của cả nước với mục tiêu chính là xây dựng thành phố trở thành một đô thị văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm được tính bền vững.

Có 3 yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố Đà Nẵng theo hướng bền vững là phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Trải qua những năm tháng tự mình vươn dậy, bằng sự đồng lòng, nhất trí của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã và đang từng bước thực hiện được cả 3 mục tiêu trên.

Đối với vấn đề kinh tế, những năm gần đây, thành phố đã có chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, dịch vụ. Riêng trong năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 14 nghìn tỷ đồng (tăng 16,6%); giá trị các ngành dịch vụ ước tăng 15%; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 905 triệu USD (tăng 19,5%).
 
Kế hoạch phát triển của thành phố sau năm 2010 là đầu tư ngành công nghiệp có công nghệ cao, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng, tăng cường mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, phát huy hiệu quả của một thành phố trọng điểm trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Đối với vấn đề an sinh xã hội, cho đến nay, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên đề ra chương trình “5 không”, “3 có” với những mục tiêu cụ thể. Chương trình “5 không”, qua 8 năm thực hiện, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả khả quan mà điển hình là việc xóa bỏ tình trạng lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố, không còn người mù chữ, không có người đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng có xu hướng giảm dần. Những chương trình như tạo việc làm, bảo đảm nhà ở cho người dân, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cho thấy Đà Nẵng đang nổ lực phát triển theo hướng bền vững.

Cùng với những vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội, Đà Nẵng đã chú trọng hơn đến vấn đề môi trường. Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” là minh chứng cho quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc tạo lập một đô thị văn minh, hiện đại và bảo đảm yếu tố môi trường. Việc từ chối dự án cả tỷ USD vì nguy cơ gây ô nhiễm cho thấy chính quyền thành phố đã có một tầm nhìn xa trong việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, còn có hàng loạt các dự án di dời những cơ sở sản xuất, kho tàng, bến bãi trong trung tâm thành phố ra các khu công nghiệp tập trung. Đồng thời, quy hoạch và di dời các khu mồ mả lên nghĩa trang tập trung tại Hòa Sơn, xây dựng hệ thống thu gom nước thải và xử lý nước thải công nghệ cao tại Thanh Lộc Đán, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, thành phố còn đầu tư tăng tỷ lệ cây xanh ở những khu công cộng, khu dân cư, quảng trường, khu vui chơi ngoài trời, v.v…

Không dễ gì khi năm 2008, Đà Nẵng được bình chọn là địa phương đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Để đạt được vị trí này, chính quyền thành phố đã xây dựng môi trường đầu tư, chính sách đầu tư thuận lợi, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển kinh doanh tại Đà Nẵng.

Một khi kinh tế phát triển sẽ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, dịch vụ và theo đó, sẽ nâng cao mức sống của người dân. Khó khăn, thách thức lớn của thành phố trong những năm đến là duy trì tốc độ phát triển kinh tế, làm cơ sở để giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đây là cả một lộ trình dài mà không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được. 

Một năm mới với bao bộn bề công việc đang chờ đón. Sự an vui, hạnh phúc mà nhân dân có được trong năm mới là cả một sự cố gắng, nỗ lực của Đảng và chính quyền thành phố. Năm 2009, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định năng lực lãnh đạo, năng lực cạnh tranh của mình so với các thành phố khác trong cả nước bằng những cách làm mới, những hướng đi đúng đắn. Muốn cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì cốt yếu vẫn là sự ổn định về chính trị, sự tăng trưởng về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Và như vậy, mục tiêu phát triển Đà Nẵng theo hướng bền vững hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước.

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.