Trường THPT Thanh Khê tại khu dân cư thuộc dự án đường Liên Chiểu – Thuận Phước.
Về lý thuyết, thì toàn bộ hạ tầng cơ sở các khu dân cư (KDC) đều có cơ quan quản lý, vận hành theo các quy định của Nhà nước. Chẳng hạn như vỉa hè và các tuyến đường có chiều dài mặt cắt ngang trên 7,5m do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý, các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m do các quận, huyện quản lý. Các công trình của ngành viễn thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng… đều đã được phân cấp quản lý.
Theo quy định, các cơ quan này chủ động trong việc xây dựng, sửa chữa, kinh doanh, quản lý theo pháp luật hiện hành. Thế nhưng, hầu hết các đơn vị có công trình hạ tầng tại các tuyến đường ở nhiều KDC chỉ quan tâm đến quyền lợi kinh doanh mà “quên” việc phải có sự phối hợp chặt chẽ và kết hợp hài hòa giữa lợi ích của đơn vị mình với quyền lợi của nhân dân và các đơn vị khác. Trong thực tế, sự phối hợp giữa các đơn vị để xây dựng, chỉnh trang các công trình hạ tầng cơ sở rất tùy tiện, mạnh ai nấy làm, không tính đến quyền lợi của cộng đồng dân cư tại đó.
Do vậy đã xảy ra tình trạng đơn vị này vừa đào đường xong để lắp đặt đường dây ngầm, đơn vị khác lại đào lên để lắp đường ống cấp nước… gây phiền hà cho nhân dân. Ở những KDC chủ yếu để khai thác quỹ đất, việc xây dựng cơ sở hạ tầng luôn không đồng bộ và kịp thời, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Để bán được đất, người ta khẩn trương làm nhanh một vài con đường (chỉ cấp phối đá dăm, không tráng nhựa…) để cho người dân thấy đẹp mà mua, còn điện, nước, viễn thông rất chậm.
Các hộ dân đến định cư đầu tiên phải khoan giếng, kéo đường dây điện rất xa. Một số KDC đã xong đường điện nhưng không nối dây, không đấu nối với hệ thống cấp nước với lý do là có quá ít hộ dân nên kinh doanh không hiệu quả. Ngoài ra, các điều kiện phúc lợi khác như trường học, các dịch vụ y tế, chợ… hầu như không đầy đủ. Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu làm cho tốc độ xây dựng nhà ở các KDC mới chậm, vì nghịch lý “người dân chờ hạ tầng, còn các đơn vị chờ cho dân đông mới xây dựng”.
Gần đây, sau khi phân cấp các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m do các quận, huyện quản lý, việc duy tu, bảo dưỡng hạ tầng rất lúng túng, chưa kể nguồn kinh phí rất hạn hẹp. Nhiều hạ tầng cơ sở ở các KDC xây dựng từ 5 năm về trước bắt đầu xuống cấp. Trật tự đô thị ở một số KDC rất lộn xộn, vỉa hè và lòng đường bị chiếm dụng làm quán nhậu, quán cà-phê...
Đặc biệt, lĩnh vực môi trường và trật tự xã hội đáng lo ngại. Một ví dụ, tại tuyến đường Nguyễn Thị Thập - ranh giới giữa quận Liên Chiểu và quận Thanh Khê - phía quận Thanh Khê thu tiền rác, còn phía quận Liên Chiểu thì không thu, tạo ra tâm lý không tốt trong nhân dân. Hậu quả là tại một số vị trí đặt thùng rác thuộc phía Liên Chiểu, người dân đổ rác ra ngoài rất mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến cả những người dân quận Thanh Khê trên cùng tuyến đường. Cũng tại tuyến đường này, một bên được trồng cây xanh, bên còn lại thì không.
Đối với các vùng ven, hệ thống đường giao thông, các kiệt hẻm đã đẹp lên rất nhiều, vậy nhưng các tuyến đường do các quận, huyện quản lý nhưng thực chất là do xã, thôn quản lý chưa tốt. Tình trạng mất trật tự giao thông ở nông thôn có xu hướng tăng. Điện thường xuyên sụt áp do hệ thống dây dẫn cũ, chưa đủ nước sạch…
Những năm qua, trung ương và thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để cải thiện điều kiện sống của nhân dân. Tuy nhiên, để hạ tầng cơ sở phát huy hiệu quả, phục vụ tốt hơn nữa đời sống của nhân dân, rất cần một cơ chế quản lý đồng bộ và các chính sách ưu tiên phù hợp.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
.
.
Quản lý, đầu tư hạ tầng cơ sở khu dân cư còn bất cập
Thứ Sáu, 12/12/2008, 09:02 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.