.

Tập trung bình ổn giá và kích cầu dịp Tết

.

.

(ĐNĐT) - Thị trường Đà Nẵng giáp Tết đang có nhiều biến động, gây tâm lý lo lắng và chờ đợi trong người tiêu dùng vốn đã rất nhạy cảm với tình hình lạm phát, giảm phát thời gian qua. Nhằm giải đáp những nghi ngại này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lữ Bằng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Công Thương. Ông cho biết:

Nhằm tạo không khí sôi động cho thị trường bán lẻ nội địa, tăng cường các giải pháp bình ổn giá nhưng kích cầu tiêu dùng, đặc biệt phục vụ cho mùa Tết Nguyên đán, theo tôi, cả 3 phía Nhà nước, các doanh nghiệp (DN) và người dân thành phố đều đang tích cực có những kế hoạch và hành động cụ thể.

UBND thành phố đã có kế hoạch giao Sở Công Thương tập hợp thông tin, rà soát tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN, các siêu thị, các chợ phát huy toàn bộ nguồn lực để có nguồn hàng phong phú cung ứng, nhất là các mặt hàng công nghệ phẩm, tiêu dùng, thực phẩm, tập trung các mặt hàng nhu yếu phẩm mùa Tết. Hiện tại, các siêu thị BIG C, Bài Thơ, Metro, và bà con tiểu thương các chợ đều đang tích cực chuẩn bị hàng.

Sở Công Thương đã có 2 hướng cụ thể. Thứ nhất là kêu gọi các DN cùng tham gia tổ chức tháng bán hàng khuyến mãi trên toàn địa bàn, diễn ra từ ngày 15-12-2008 đến hết ngày 15-1-2009. Hiện đã có hơn 80 DN đăng ký tham gia, thực hiện các chương trình bán hàng khuyến mại, giảm giá, tặng quà với tổng kinh phí dự trù trên 9 tỷ đồng.

Trong đó, riêng hoạt động Hội chợ Xuân, là nơi tụ hội bán hàng tiêu dùng riêng cho mùa Tết, chúng tôi sẽ cho kéo dài ngày hơn mọi năm và kêu gọi nhiều đầu mối cung ứng hàng hóa chất lượng hơn. Chúng tôi cũng đề nghị các quận, huyện phối hợp với các DN kinh doanh, chọn mở thêm thật nhiều điểm bán hàng lẻ, ở những vị trí không gây ách tắc giao thông, không vướng công trình công cộng, thuận tiện cho người dân mua sắm.

Thứ hai, Sở thông qua các đầu mối cung ứng sẽ tổ chức bán thịt heo trên địa bàn với giá bình ổn tương tự năm ngoái. Thành phố đã đồng ý kế hoạch bán ra hơn 20 tấn thịt heo, tăng gấp đôi năm ngoái, với nhiều điểm bán trên khắp địa bàn cho đến hết ngày mồng 5 Tết. Đồng thời, với sự phối hợp của các cấp chính quyền, các đơn vị hữu quan, thành phố chủ trương sẽ hỗ trợ 1.000 tấn gạo đến cho các hộ dân nghèo, đối tượng chính sách tại các xã, phường, đảm bảo đủ gạo ăn cho dân đến ngày mồng 10 Tết.

Với những biện pháp cụ thể trên, chúng tôi tin là mùa Tết năm nay giá cả sẽ được giữ bình ổn, đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm. Người dân Đà Nẵng sẽ có thêm điều kiện chọn lựa các loại hàng hóa cần thiết với giá cả và chất lượng phù hợp. Tình hình diễn biến về hoạt động sản xuất, xu hướng giảm giá nguyên liệu thời gian qua đang hết sức ủng hộ điều này. Đặc biệt là xăng dầu, dự báo sẽ có thêm 1 - 2 đợt giảm giá nữa, càng giúp cho đầu vào các đơn vị sản xuất giảm chi phí, qua đó sẽ tiếp tục kích cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Hàng hóa mùa Tết đang được tập trung dồi dào về Đà Nẵng.

- Theo ông, việc tăng cường chiến dịch bán hàng, hỗ trợ các DN bán hàng sắp đến sẽ được tạo điều kiện cũng như giám sát ra sao?

Chúng tôi kêu gọi các quận, huyện hỗ trợ DN mở rộng mạng lưới bán lẻ dịp Tết, nghĩa là chủ trương tạo mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục, cơ hội kinh doanh cho các DN, tạo môi trường hết sức thuận lợi giữa nhu cầu mua và bán. Có vậy, giải pháp bình ổn giá nhưng kích cầu mới hiệu quả được.

Dĩ nhiên, việc tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng phải nghiêm túc. Lực lượng quản lý thị trường của Sở Công Thương đã quán triệt quyết liệt kiểm tra, ngăn chặn mọi hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… len lỏi vào địa bàn.

- Năm trước, đã từng có thông tin việc phân phối gạo đến cho dân nghèo có một số vướng mắc, thiếu công bằng. Năm nay, ở các chợ cũng có tâm lý về thông tin sẽ giải tỏa di dời làm ảnh hưởng tâm lý tiểu thương và đầu mối giao hàng. Ông có ý kiến gì về hai điểm này ?

Việc cung cấp gạo cho dân nghèo, UBND sẽ có chỉ đạo trực tiếp. Theo đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các quận, huyện, các ngành chức năng, nhất là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức công tác điều tra thông tin, tập hợp thông tin, chọn lọc các đối tượng được hỗ trợ với tinh thần minh bạch cao nhất. Năm trước có trục trặc do khâu đưa gạo về cho dân còn chậm, năm nay rút kinh nghiệm, bắt đầu từ đầu tháng 1-2009 đã phải triển khai đưa gạo về cho dân, trực tiếp đến dân chứ không phải các xã, phường nhận gạo về giữ trong kho. Tôi nghĩ với tinh thần hành động chung, hiệu quả công tác hỗ trợ này sẽ rất tốt.

Còn về tâm lý tiểu thương các chợ, với thông tin có chủ trương nâng cấp chỉnh trang, tôi đề nghị các cơ quan thông tấn cùng tham gia đưa thông tin đến với người dân: thành phố chưa có chủ trương về thời điểm thực hiện. Do vậy, việc kinh doanh mua bán, tiểu thương các chợ cứ yên tâm và các DN cung ứng cũng cần bình tĩnh, hết sức hỗ trợ tiểu thương có kế hoạch tập trung hàng hóa hiệu quả cho mùa Tết. Thực tế sức mua hiện nay đang diễn ra hạn chế, không mạnh dạn như mọi năm, người tiêu dùng sau giai đoạn lạm phát đều đang chờ đợi. DN, tiểu thương cần đồng lòng nỗ lực, để tận dụng cơ hội kinh doanh hiện nay, chứ không nên dè dặt một cách phiến diện như vậy.

Thụy Bất Nhi (thực hiện)

;
.
.
.
.
.