.

Tham quan phố cổ mùa lũ

.

Mấy năm gần đây, dịch vụ du lịch bằng ghe thuyền ở Hội An (Quảng Nam) phát triển mạnh. Nhưng dịch vụ này đắt khách nhất là vào mùa lũ - khi phố cổ Hội An chìm trong lũ. Mỗi khi lũ nhấn chìm những khu phố cổ như Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi,… cũng là lúc “cháy” tour du lịch bằng ghe ở Hội An.

Một cách mưu sinh mới

Du khách nước ngoài thích thú khi vừa được đi ghe, vừa tham quan chụp ảnh phố cổ Hội An trong lũ.

Cuối tháng 11 vừa qua, liên tiếp những trận lũ kéo về. Nếu như trước đây, người Hội An “sợ lũ như sợ cọp” thì nay người Hội An đã biết biến nước lũ… đẻ ra tiền, một cách mưu sinh mới.

Liên tiếp những ngày 19 đến 23-11, hàng ngàn lượt du khách mà chủ yếu là khách Tây đã đến Hội An để được ngắm và lội… nước lụt ngắm phố cổ Hội An. Nhiều hãng lữ hành của Đà Nẵng và Quảng Nam mặc dù tranh thủ tăng các tour đến Hội An trong những ngày lũ, nhưng tất cả các tour đều không thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn của du khách.

Khi thấy những cơn mưa nặng hạt kéo về, nước sông Hoài mấp mé phố cổ Bạch Đằng, người dân Hội An bắt đầu chuẩn bị ghe thuyền, áo phao, phao bơi,… sẵn sàng phục vụ du khách.

Ngày 21-11, khi cơn lũ đã nhấn chìm 2/3 khu phố cổ Hội An, khu vực Chùa Cầu trở thành bến phà với khoảng 20 chiếc ghe gỗ “liên tù tì” đưa đón khách. Ngày bình thường, chiếc ghe gỗ là phương tiện đánh bắt cá, nhưng khi lũ từ đầu nguồn kéo về, người dân Hội An lại mang những chiếc ghe đó ra làm du lịch. Mỗi chiếc ghe chỗ rộng nhất 1 mét, dài 4 mét được trang bị áo phao, phao bơi có thể chở được 4 người khách. Mỗi chuyến “du ngoạn” bắt đầu từ bến Chùa Cầu, xuôi dọc theo đường Bạch Đằng, chợ Hội An, quay ngược về phố cổ Nguyễn Thái Học và trở lại bến Chùa Cầu với bình quân mỗi chuyến từ 30 đến 80 ngàn đồng cho 4 khách. Du khách, đặc biệt là những du khách đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ,… rất thích thú “du ngoạn” phố cổ bằng ghe chèo.

Chị Nguyễn Thị Mười (phường Minh An) cho biết: “Khách Tây rất thích thú tham quan phố cổ bằng ghe. Hình như bên họ không có lụt thì phải. Họ hỏi tui tại răng người Hội An sống được hoài trong nước lụt?”. Có nhiều người trả thêm tiền để chị chèo chậm cho họ chụp ảnh từng bức tường, từng cánh cổng bị ngập. Chèo một ngày, mỗi ghe kiếm ít nhất vài trăm ngàn, bằng người dân làm cả nửa tháng trong ngày bình thường.

Thiếu chuyên nghiệp

Khu vực chùa cầu trở thành bến đò đón du khách tham quan.
Không chỉ có những người dân Hội An “tranh thủ” nước lũ để kiếm tiền, những công ty, hãng lữ hành du lịch cũng đã quảng cáo các tour du lịch mùa lũ tại Hội An. Và, mỗi khi có dự báo thời tiết thông báo lũ ở Quảng Nam thì ngay tức khắc các công ty, các hãng lữ hành đã bán tour “tham quan phố cổ mùa lũ” với lượng du khách đăng ký tăng vọt. Dường như sau khi có thông báo, ngay lập tức các tour này được bán hết. Điều đáng nói, với lượng du khách rất đông nhưng lượng ghe phục vụ du lịch tại đây quá ít, trang bị sơ sài và chủ yếu là do người dân tự phát kinh doanh.

Anh T. - một hướng dẫn viên du lịch, than thở: “Khách Tây rất thích tham quan phố cổ Hội An trong lũ, nhưng lượng ghe của ngư dân mình không đáp ứng được, vừa thiếu số lượng vừa thiếu thiết bị an toàn như áo phao, phao bơi. Nếu một đoàn khách trên 40 người thì chúng tôi buộc phải chia ra nhiều tốp, và xếp hàng đi trong nhiều đợt vì không đủ ghe”.
 
Ngoài ra, các ghe của người dân ít trang bị áo phao hoặc có trang bị mà áo phao quá cũ kỹ và không bảo đảm an toàn nên nhiều khách khó tính phàn nàn. Thậm chí có những ghe không có áo phao, khi người dẫn khách tham quan yêu cầu phải có áo phao cho khách mới được xuất bến, thì họ mới chạy đi mượn áo phao. Anh T. cho biết: Nếu thành phố Hội An đứng ra tổ chức tham quan bằng ghe một cách chuyên nghiệp hơn thì sẽ thu hút một lượng du khách rất lớn, nhất là khách Tây đến với phố cổ Hội An trong mùa lũ.

Việc tổ chức một cách chuyên nghiệp loại hình dịch vụ “tham quan phố cổ Hội An bằng ghe” không những thu hút được đông đảo du khách mà còn tạo nên một nét riêng cho Hội An mùa lũ.

Thanh Tuyền

;
.
.
.
.
.