.
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

.

Việc vận động nguồn vốn ODA là cả một quá trình khó khăn, do vậy thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt và sử dụng có hiệu quả ngồn vốn này cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Trong năm 2008, thành phố Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt 3 dự án theo danh mục tài trợ chính thức bao gồm: dự án hỗ trợ kỹ thuật các dự án cấp nước; dự án cung cấp trang thiết bị y tế và dự án giảm thất thoát nước sinh hoạt.


Sông Phú Lộc sẽ được cải tạo từ vốn ODA.

Ngoài ra, do có những cố gắng trong việc quản lý sử dụng tốt nguồn vốn từ chương trình phát triển hạ tầng thoát nước đô thị nên ngày 28-8-2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký với Ngân hàng Thế giới (WB) hợp đồng tín dụng với giá trị 152.444.000 USD tài trợ cho dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn ODA trong việc phát triển kinh tế-xã hội, hiện thành phố đang xúc tiến vận động thêm nguồn vốn ODA vào thành phố. Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, thành phố đang xúc tiến vận động vốn ODA đang hướng vào các dự án quan trọng, thiết thực.

Qua kênh vốn của Ngân hàng tái thiết Đức (KFW), Chính phủ Đức tài trợ cho Đà Nẵng 300.000 USD để lập nghiên cứu khả thi về dự án đầu tư hệ thống xe buýt công cộng thân thiện với môi trường. Đối với lĩnh vực y tế, thành phố tiếp tục duy trì vận động tài trợ từ phía Chính phủ Tây Ban Nha qua dự án xử lý chất thải y tế Đà Nẵng. Hiện dự án đang được Chính phủ Tây Ban Nha chấp thuận báo cáo tiền khả thi và được đưa vào Chương trình hợp tác tài chính giữa Việt Nam- Tây Ban Nha.

Vốn ODA từ Nhật Bản tiếp tục được duy trì khi Ngân hàng Hợp tác phát triển JBIC đồng ý về nguyên tắc tài trợ cho dự án cải thiện điều kiện sinh hoạt môi trường thành phố và dự kiến dự án đưa vào danh sách tài trợ trong tháng 1-2009. Ở những dự án xúc tiến lâu dài, thành phố vận động Chính phủ Nhật Bản đưa 2 dự án gồm Cải tạo cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và dự án xây dựng cảng Liên Chiểu vào danh sách đăng ký tài trợ vốn.
 

MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN DỰ ÁN ODA NĂM 2008

Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên: Hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; phê duyệt kế hoạch đấu thầu các hạng mục: giải phóng mặt bằng hạ tầng khu tái định cư Thanh Khê Tây, trường học, nhà ở chung cư; trình phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư cho hạng mục cải tạo môi trường sông Phú Lộc...
Dự án Trung tâm Đào tạo Anh ngữ Ấn Độ: Triển khai xây dựng công trình và mở 6 lớp đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, công chức và sinh viên.
Dự án Công nghệ thông tin và truyền thông: Thực hiện phê duyệt tổng dự toán thuê tư vấn dự án.
Dự án hỗ trợ quản lý cấp nước: Thực hiện kế hoạch tân trang các nhà máy sản xuất nước đến năm 2020, xây dựng kế hoạch chiến lược cấp nước đến năm 2015.

 

Được biết, hiện thành phố có 11 dự án ODA nhưng thực chất có 7 dự án đang triển khai, 4 dự án đang xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, lập văn kiện dự án. Số liệu của Sở Kế hoạch & Đầu tư cung cấp cho biết, tổng vốn đầu tư của 11 dự án là 285,43 triệu USD, trong đó vốn thuần ODA (đã trừ vốn đối ứng) là 212,8 triệu USD, chiếm 74% tổng số vốn. Trong số 7 dự án triển khai, 5 dự án đã có giải ngân vốn ODA gồm: nâng cấp tín hiệu và điều khiển giao thông; chuẩn bị đầu tư dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; xây dựng Trung tâm Đào tạo Anh ngữ Ấn Độ.

Ông Lê Hữu Đốc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, việc vận động vốn ODA ngày càng khó khăn, song không vì thế mà xem nhẹ kênh vốn này. Vấn đề là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, nhất là khâu chuẩn bị dự án. Việc vận động vốn ODA phải kiên trì, nhất quán trong chỉ đạo điều hành và luôn chủ động “lo gần, lo xa” của cơ quan, đơn vị khai thác nguồn vốn ODA.


Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.