.
Thị trường bán lẻ 2009:

Thương hiệu lớn chuyển động

.

(ĐNĐT) - Thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam được nhiều DN nhìn nhận có nhiều thách thức bởi ở trong bối cảnh diễn biến kinh tế toàn cầu còn nhiều phức tạp. Tuy nhiên, không hề chậm trễ, thị trường lúc này đã có những chuyển động. Các thương hiệu lớn đến từ bên ngoài đã sẵn sàng nắm cơ hội .

* Thương hiệu lớn đánh lớn

2

Thương hiệu BIGC đang tiến thêm 1 bước về miền Trung với kế hoạch khai trương cơ sở mới tại Huế.

Một đại diện PR Coca-Cola Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhãn hàng này đã có kế hoạch tái lập quảng bá hình ảnh trên toàn quốc trong cả năm 2009, trong đó miền Trung được xem là mảng thị phần trọng điểm. Các hoạt động cộng đồng như đầu tư nước sạch nông thôn, cải thiện môi trường đô thị… đã duy trì lâu nay sẽ được Coca-Cola đẩy mạnh hơn bên cạnh các dự án mới thể hiện vai trò thân thiện của DN với người tiêu dùng ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Động thái của Coca-Cola Việt Nam khi nhìn từ thực tiễn gần 3 năm qua, có thể nói là một thay đổi lớn. Nhãn hàng này tính ra đã giảm lượng công tác tiếp thị cho thị trường từ năm 2004 lại đây, tập trung lo cho công tác nội bộ và đầu tư chiều sâu. Song đến giờ phút này, rõ ràng với sự kiện mở cửa bán lẻ tại Việt Nam, và ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN phải lo nhận diện lại chính xác thách thức của mình, dù ưu thế có đang nằm trong tay đi nữa.

Cuối tháng 11 vừa qua, đại diện Intel Semiconductor tại Việt Nam và Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã ký biên bản ghi nhớ, công nhận Nguyễn Kim trở thành đối tác bán lẻ hàng đầu của Intel ở Việt Nam. Theo đó, Intel sẽ cung cấp định kỳ các tài liệu kỹ thuật sản phẩm cho Nguyễn Kim, cùng hợp tác thiết kế các khu vực, chương trình trưng bày, giới thiệu các công nghệ máy tính mới ra thị trường, rải khắp cả nước. Riêng tại Đà Nẵng, Nguyễn Kim đang có những chuẩn bị để ra mắt 1 điểm siêu thị hàng điện tử đầy tính cạnh tranh trong thời gian đến. Sự tiếp cận của Intel với Nguyễn Kim theo hướng hợp tác này, thể hiện thái độ nghiêm túc hơn của tên tuổi này với mảng thị phần bán lẻ hàng CNTT Việt Nam.

Ở góc cạnh nhà phân phối, bà Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Siêu thị BIGC cho biết, chậm nhất là hết quý 1-2009, DN này sẽ khai trương cơ sở tại Huế, cả 1 tòa nhà cao tầng thiết kế hoàn chỉnh để trưng bày, phục vụ các mặt hàng tiêu dùng. Vậy là sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, BIGC đã tiến thêm 1 bước về miền Trung, mạnh dạn thể hiện lợi thế của 1 tên tuổi lớn với bối cảnh thuận lợi khi cánh cửa bán lẻ mở rộng ra.

* Hàng hóa cạnh tranh hơn

2

Nhiều cơ sở, cửa hàng kinh doanh mới đang tiếp tục mở ra cạnh tranh.

Tương đồng với sự chuyển động của những thương hiệu lớn, mảng kinh doanh bán lẻ tự do trong thị trường Đà Nẵng cũng đang thay đổi. Nổi cộm nhất là sự tranh đua bày bán các loại sản phẩm hàng hóa Trung Quốc, từ quần áo, mỹ phẩm cho đến hàng gia dụng, thực phẩm. Chủ 1 tiệm quần áo thời trang ở đường Thái Phiên cho biết, chị đã tìm mối hàng từ Quảng Châu về bán mấy tháng rồi. Song chỉ trong 1 tháng qua, cạnh tiệm chị đã thêm tiệm khác và sắp đến lại có 1 tiệm nữa khai trương. Tất cả đang tạo cạnh tranh gay gắt về bán hàng, vì đều cùng mẫu mã thời trang từ Trung Quốc về. Đây cũng chỉ mới ở 1 đoạn phố. Dọc đường Lê Duẩn hàng đêm, người ta còn có thể thấy hàng loạt điểm bán áo quần, giày dép vỉa hè mọc lên, hầu hết đều dán mác China. Giá cả ở đây có thể tùy biến rất linh hoạt, cách biệt nhau có thể từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng, và nhất là rất rẻ so với các sản phẩm trong cửa hàng dệt may địa phương.

Những thay đổi trong cảnh quan thị trường bán lẻ như vậy đang tạo sức ép rất lớn với các nhà sản xuất hàng hóa tại Đà Nẵng. Trưởng bộ phận bán hàng showroom thời trang Hòa Thọ nhận xét, sự linh hoạt trong giá bán, đa dạng về mẫu mã của những loại hàng tiêu dùng ấy đang áp đảo các cửa hàng sản phẩm nội địa. Nguy cơ này đang buộc các đơn vị sản xuất phải tích cực tìm cách đổi mới phương thức bán hàng, cạnh tranh giá cả, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.

Uyên Nghi.

;
.
.
.
.
.